TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO.
Về vấn đề này Luật gia Đoàn Duy - Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí Minh xin trả lời như sau:
Về cơ sở pháp lý được sử dụng: Luật thương mại 2005
1. Khái quát chung về công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
- Công ty cp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty cp có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.
Công ty cổ phần có rất nhiều đặc điểm đặc biệt khác với các loại hình doanh nghiệp khác.
Về cổ đông công ty
Thành viên công ty cổ phần được gọi là các cổ đông. Cổ đông là những người sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty.
Pháp luật chỉ quy định về số cổ đông công ty cổ phần tối thiểu là 03 và không giới hạn số lượng tối đa. Điều này giúp công ty cp có thể mở rộng số lượng thành viên tuỳ theo nhu cầu của mình.
Vốn điều lệ của công ty
Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Vốn điều lệ của công ty cp được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phiếu. Tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào công ty bằng cách mua cổ phiếu, có thể mua một hoặc nhiều cổ phiếu.
Các loại cổ phần theo quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có: Cổ phần phổ thông; Cổ phần ưu đãi.
Cổ phần ưu đãi có các loại sau:
+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết: Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết
+ Cổ phần ưu đãi cổ tức;
+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
+ Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
2. Đại diện thương nhân
Theo như nội dung thư bạn trình bày, Công ty A có nhu cầu Ủy quyền cho Công ty B thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án. Trong trường hợp này, công ty A có thể ủy quyền cho công ty B thực hiện các thủ tục này theo quy định của Luật thương mại 2005:
“Điều 141. Đại diện cho thương nhân
1. Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
2. Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.”
=> Do đó, công ty A và công ty B hoàn toàn có thể ký kết hợp đồng đại diện theo đó, B sẽ đại diện cho A thực hiện thủ tục mà B ủy quyền. Khi ký kết hợp đồng đại diện giữa công ty A và B, hai bên phải lưu ý những vấn đề dưới những mục sau đây:
3. Hình thức của hợp đồng đại diện cho thương nhân
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, đại diện là việc người đại diện (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) có đủ điều kiện năng lực về pháp luật và hành vi dân sự với danh nghĩa và lợi ích của bên được đại diện để xác lập cũng như thực hiện các giao dịch dân sự mà pháp luật cho phép. Đại diện có thể được xác lập bởi một trong hai hình thức là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy uyền.
Mặt khác, theo quy định của điều 141 Luật thương mại năm 2005, đại diện cho thương nhân là việc bên đại diện (phải là thương nhân) nhận ủy quyền của một thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại nhân danh và theo sự chỉ dân của bên được đại diện. Bên đại diện được hưởng thù lao từ việc đại diện đó.
Lưu ý: Thương nhân được đại diện cũng có thể cử chính người của mình để làm đại diện cho mình
Như vậy, có thể thấy rằng, đại diện cho thương nhân là một dạng của đại diện theo ủy quyền được thực hiện trong hoạt động thương mại. Mặt khác, cũng như quan hệ đại diện theo ủy quyền phát sinh trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, hợp đồng đại diện cho thương nhân chính là cơ sở để phát sinh quan hệ đại diện cho thương nhân. Từ các cơ sở này có thể xác định hợp đồng đại diện cho thương nhân là một dạng đặc biệt của hợp đồng ủy quyền.
Tuy vậy, hợp đồng đại diện cho thương nhân cũng có những điểm khác cơ bản so với hợp đồng ủy quyền: Chủ thể tham gia hợp đồng, tính chất hợp đồng cũng như mặt hình thức của hợp đồng.
=> Kết luận: Ta có thể nói, hợp đồng đại diện cho thương nhân là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó một bên là một thương nhân nhận ủy nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (bên giao đại diện) để thực hiện hoạt động thương mại với danh nghĩa, sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
Theo quy định của pháp luật tại Điều 142 Luật thương mại 2005, Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Trong đó, các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
=> Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
4. Phạm vi đại diện
Phạm vi đại diện: Các bên có thể thoả thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện trong nội dung hợp đồng đại diện cho thương nhân được ký kết giữa bên đại diện và bên giao đại diện.
=> Các bên có thể thoả thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.
5. Thời hạn đại diện cho thương nhân
- Thời hạn đại diện do các bên thoả thuận.
- Trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi bên giao đại diện thông báo cho bên đại diện về việc chấm dứt hợp đồng đại diện hoặc bên đại diện thông báo cho bên giao đại diện về việc chấm dứt hợp đồng.
- Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng.
- Trường hợp thời hạn đại diện chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều này theo yêu cầu của bên đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thoả thuận khác.
6. Nghĩa vụ của bên đại diện
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện;
- Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền;
- Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật;
- Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;
- Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện;
- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.
7. Nghĩa vụ của bên giao đại diện
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại diện có các nghĩa vụ sau đây:
- Thông báo ngay cho bên đại diện về việc giao kết hợp đồng mà bên đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà bên đại diện đã giao kết, việc chấp nhận hay không chấp nhận các hoạt động ngoài phạm vi đại diện mà bên đại diện thực hiện;
- Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để bên đại diện thực hiện hoạt động đại diện;
- Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại diện;
- Thông báo kịp thời cho bên đại diện về khả năng không giao kết được, không thực hiện được hợp đồng trong phạm vi đại diện.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn