THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VÀ TÒA ÁN TRONG TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI

Thứ hai - 09/08/2021 12:30
Trường hợp trong hợp đồng vừa có thỏa thuận Trọng tài, vừa có thỏa thuận Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp là một vấn đề thường gặp trong giao dịch thương mại. Khi phát sinh tranh chấp cần được hiểu rõ thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại và Toà án theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định ba nhóm vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại như sau:

Thứ nhất, “tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại”. Tranh chấp này đòi hỏi các bên trong tranh chấp đều phải có hoạt động thương mại, mà tiêu chí nhận diện hoạt động thương mại theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 là mục đích sinh lời.

Thứ hai, “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại”. Với quy định này, chỉ cần một bên trong tranh chấp có hoạt động thương mại, bên còn lại có thể tham gia quan hệ với các mục đích phi lợi nhuận như tiêu dùng, nhu cầu cá nhân…

Thứ ba, “tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài”. Trong trường hợp này, tiêu chí hoạt động thương mại thậm chí còn không được đặt ra, mà chỉ cần trong pháp luật chuyên ngành có quy định tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài thương mại.

Về mối quan hệ giữa trọng tài và tòa án, Điều 6 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định, một khi các bên đã thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại thông qua một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, thì khi đó tòa án phải từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi một trong các bên khởi kiện tại tòa án để giải quyết tranh chấp. Lúc này, dù không trực tiếp giải quyết, nhưng tòa án có vai trò hỗ trợ và giám sát hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại khi một trong các bên hoặc Hội đồng trọng tài có yêu cầu. Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng quy định rất rõ điều kiện để một tranh chấp thương mại có được giải quyết bằng trọng tài thương mại, cũng như các thủ tục để một tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại. Theo đó, để một tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài thương mại, giữa các bên phải có một thỏa thuận trọng tài, nghĩa là các bên phải có thỏa thuận về việc giải quyết bằng trọng tài đối với các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh (theo khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại 2010) và thỏa thuận này phải có hiệu lực.

Tuy nhiên, Tòa án vẫn có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp có thỏa thuận trọng tài thuộc các trường hợp sau:

1. Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài/quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;

2. Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng/Trung tâm trọng tài;

3. Tranh chấp thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài không thực hiện được như:

- Đã có thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, đồng thời các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp;

- Đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên, nhưng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể tham gia giải quyết, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;

- Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc nhưng Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;

- Doanh nghiệp và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung do doanh nghiệp soạn sẵn nhưng khi tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Trường hợp vừa có thỏa thuận trọng tài, vừa có thỏa thuận Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có thỏa thuận trọng tài:

- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết trước khi yêu cầu Tòa giải quyết hoặc trước khi Tòa thụ lý thì Tòa phải từ chối thụ lý, giải quyết. Khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa phải trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp đã thụ lý, Tòa phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện;

- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa giải quyết, Tòa phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa. Nếu Tòa xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết thì trả lại đơn cho người khởi kiện. Trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết thì Tòa xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung. Nếu Tòa đã thụ lý mà phát hiện đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa thụ lý thì Tòa ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

Tác giả bài viết: LG. Đoàn Duy Số

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây