Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ hai - 09/03/2020 05:53
Chỉ thị số 32-CT/TW đã xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của các ngành, các cấp nhưng đến nay việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác này của cấp ủy và chính quyền một số  nơi chưa sát sao, chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyên môn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

 Công tác PBGDPL ở một số nơi chưa được quan tâm thực sự. Mặc dù Chỉ thị số 32-CT/TW đã xác định rõ công tác PBGDPL là bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của các ngành, các cấp nhưng đến nay việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác này của cấp uỷ và chính quyền một số  nơi chưa sát sao, chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyên môn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

  1. Những tồn tại, hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

          Về tổ chức và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Hoạt động PBGDPL trong thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn mang tính thời sự, phong trào, chưa đi sâu phân tích, giải thích một cách cụ thể những nội dung chủ yếu người dân cần tìm hiểu, chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người dân, chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế.

Mặt khác, việc phổ biến hiện nay thường tập trung vào các bộ luật, luật, pháp lệnh, chưa chú trọng tuyên truyền các văn bản dưới luật. Đồng thời, một số địa phương chưa thực sự quan tâm phổ biến văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành.

          - Hình thức PBGDPL tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở. Một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả. Một số địa phương còn thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, biện pháp PBGDPL phù hợp với trình độ của người được tuyên truyền và đặc thù của địa bàn. Các hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả chậm được nhân rộng.

- Nguồn nhân lực hiện có của công tác PBGDPL còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội. Lực lượng làm công tác PBGDPL tuy đông về số lượng nhưng lại phân tán, số người chuyên trách không nhiều, mà chủ yếu là kiêm nhiệm; tính chuyên nghiệp trong PBGDPL của cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác PBGDPL chưa cao.

- Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp chưa thực sự tạo được bước đột phá, tạo cơ chế hữu hiệu để các cấp, các ngành có chương trình hoạt động cụ thể, biến nhận thức về tầm quan trọng của công tác này thành hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL. Hoạt động của Hội đồng chưa nhạy bén, chưa theo sát được yêu cầu, đòi hỏi của công tác PBGDPL trong từng thời kỳ. Trong hoạt động còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các Ban và giữa các thành viên Hội đồng. Hội đồng của một số Bộ, ngành, địa phương hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy được vai trò phối hợp để thực hiện công tác PBGDPL. Trách nhiệm của từng ban, từng thành viên chưa được phát huy một cách đồng đều, một số thành viên còn thiếu tính tích cực, chủ động trong triển khai các hoạt động PBGDPL.

          Về tổ chức thực hiện pháp luật

Một số cán bộ và nhân dân nhận thức pháp luật chưa đi đôi với hành động. Tình hình vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có cả đảng viên, công chức.

          Về nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Không đồng đều trong bố trí kinh phí PBGDPL ở các bộ, ngành, địa phương.

  1. Những nguyên nhân của các hạn chế trên

- Một trong những nguyên nhân cơ bản của những khó khăn, hạn chế hiện nay của công tác PBGDPL là do trước đây thể chế của công tác này chưa hoàn thiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PBGDPL còn tản mạn, chưa đồng bộ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như luật hay nghị quyết của Quốc hội nên việc triển khai PBGDPL gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc xác định và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Chính vì vậy, Quốc hội khóa XIII mới ban hành Luật PBGDPL tại kỳ họp thứ ba.

- Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, bộ, ngành, địa phương về công tác PBGDPL chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, do vậy đã cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan Tư pháp.

- Công tác tham mưu cho cơ quan tư pháp và cơ quan chuyên môn của cấp ủy, chính quyền nhiều khi chưa chủ động, chưa thường xuyên, kịp thời. Việc kiện toàn tổ chức làm công tác PBGDPL và cơ chế phối hợp để giáo dục pháp luật chậm được đổi mới.

 -  Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp hoạt động theo cơ chế phối hợp, các thành viên làm việc kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian đầu tư cho công tác PBGDPL. Phần lớn thành viên tham gia Hội đồng phối hợp các cấp giữ vị trí lãnh đạo ở bộ, ngành, địa phương phải đảm trách nhiều công việc nên sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp chưa thật đều.

 - Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL cả nước tuy số lượng đông nhưng trình độ không đồng đều. Chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL còn thấp, nhất là cán bộ ở cơ sở. Thiếu một cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này.

- Việc ban hành quá nhiều văn bản pháp luật cũng như các chương trình, kế hoạch của nhà nước cần triển khai, thực hiện cùng một thời điểm, trong khi điều kiện nhân lực, vật lực có hạn. Hệ thống pháp luật nước ta chưa đồng bộ, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống, chất lượng các văn bản luật chưa cao, số lượng các văn bản pháp luật của nhà nước ban hành ngày càng nhiều, lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung...do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác PBGDPL.

- Một số người lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, việc xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật, đặc biệt là một số vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên không nghiêm minh, thiếu chính xác đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với pháp luật.

 - Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn. Chế độ, chính sách cho báo cáo viên, tuyên  truyền viên còn thiếu, chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của đội ngũ làm công tác PBGDPL.  Do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và đủ mạnh nên địa phương nào quan tâm đến công tác PBGDPL thì dự trù hoặc cấp kinh phí phù hợp cho công tác này và ngược lại.

 

Tác giả bài viết: Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây