Điều kiện thành lâp chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

Thứ ba - 07/09/2021 05:23
Luật chứng khoán hiện hành ghi nhận công ty quản lý quỹ nước ngoài có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện khi đáp ứng điều kiện theo quy định.

Cơ sở pháp lý

-Luật Chứng khoán năm 2019

- Nghị định 155/2020/NĐ-CP 

- Thông tư 99/2020/TT-BTC

- Thông tư 97/2020/TT-BTC

1. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán là gì?

Khoản 3 Điều 2 Thông tư 99/2020/TT-BTC giải thích: Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Luật chứng khoán hiện hành ghi nhận công ty quản lý quỹ nước ngoài  có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện khi đáp ứng điều kiện theo quy định.

2. Định nghĩa chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và được công ty mẹ chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về mọi hoạt động của mình tại Việt Nam.

Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Khoản 2 Điều 76 Luật chứng khoán 2019 quy định về điều kiện. Theo đó, Công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được cơ quan quản lý, giám sát trong lĩnh vực chứng khoán ở nước nguyên xứ cấp phép hoạt động quản lý quỹ đại chúng và được chấp thuận thành lập chi nhánh tại Việt Nam;

- Cơ quan cấp phép của nước nguyên xứ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; thời hạn hoạt động còn lại (nếu có) tối thiểu là 05 năm;

- Không phải là cổ đông, thành viên góp vốn hoặc cùng với người có liên quan sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ủy quyền, ủy thác đầu tư sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam;

- Vốn cấp cho chi nhánh tại Việt Nam theo quy định tại Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP là 25 tỷ đồng.

- Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất và nhân sự quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 75 của Luật này đối với chi nhánh dự kiến thành lập tại Việt Nam;

- Đáp ứng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 77 của Luật này.

Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài chỉ được lập 01 chi nhánh tại Việt Nam.

4. Tên văn phòng đại diện, chi nhánh của công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Điều 5 Thông tư 97/2020/TT-BTC quy định về tên của văn phòng đại diện, chi nhánh của công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam như sau:

Một là, tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Hai là, tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải bao gồm tên công ty quản lý quỹ nước ngoài và phải đảm bảo nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và các quy định pháp luật có liên quan;

b) Tên văn phòng đại diện được đặt theo thứ tự “Văn phòng đại diện - tên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài - tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”;

c) Tên chi nhánh được đặt theo thứ tự “Chi nhánh - tên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài - tại Việt Nam”.

Tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải được gắn tại trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh.

5. Điều kiện lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của công ty quản lý quỹ nước ngoài

Điều 78 Luật Chứng khoán 2019 quy định về văn phòng đại diện của công ty quản lý quỹ nước ngoài. Theo đó:

Điều kiện lập văn phòng đại diện

Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài được lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được cấp phép và đang hoạt động hợp pháp tại nước nguyên xứ;

- Cơ quan cấp phép của nước nguyên xứ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài đang quản lý các quỹ đang đầu tư tại Việt Nam; thời hạn hoạt động còn lại (nếu có) tối thiểu là 01 năm.

Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện

Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam bao gồm một, một số hoặc toàn bộ nội dung sau đây:

- Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc và nghiên cứu thị trường;

-Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam;

- Thúc đẩy, giám sát thực hiện các hợp đồng thỏa thuận đã ký kết giữa công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài với các tổ chức kinh tế của Việt Nam;

- Thúc đẩy, giám sát thực hiện các dự án do công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tài trợ tại Việt Nam.

Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; quản lý, giám sát hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

6. Trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh

Trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài, có địa chỉ được xác định, có số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các quy định pháp luật có liên quan.

Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở.

7. Trách nhiệm của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh

Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và trước công ty mẹ về hoạt động của mình và của văn phòng đại diện, chi nhánh trong phạm vi được công ty mẹ ủy quyền.

Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác trong văn phòng đại diện, chi nhánh để thực hiện quyền và nghĩa vụ của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam sau khi được công ty mẹ chấp thuận. Thời hạn ủy quyền tối đa là 90 ngày. Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền phải thông báo cho công ty mẹ. Sau khi nhận được thông báo của người được ủy quyền, công ty mẹ có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh hiện hữu và việc bổ nhiệm Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh mới (nếu có). Người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh trong phạm vi đã được ủy quyền, hiệu lực tối đa trong vòng 30 ngày sau khi được công ty mẹ chấp thuận.

Công ty mẹ phải bổ nhiệm Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh mới trong các trường hợp sau:

- Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày liên tiếp mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh;

- Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không hiện diện tại Việt Nam quá 90 ngày liên tiếp;

- Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Trưởng văn phòng đại diện, nhân viên tại văn phòng đại diện không được đồng thời đảm nhiệm các vị trí sau:

a) Giám đốc chi nhánh của công ty mẹ, Trưởng văn phòng đại diện, nhân viên của văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam;

b) Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc nhân viên làm việc cho doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam;

c) Người đại diện theo pháp luật, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của công ty mẹ hoặc cá nhân khác làm việc cho công ty mẹ, có quyền thay mặt công ty mẹ ký kết các hợp đồng kinh tế, giao dịch tài sản mà không cần ủy quyền bằng văn bản của công ty mẹ.

Trưởng văn phòng đại diện chỉ được thay mặt công ty mẹ để ký kết các hợp đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty mẹ với các tổ chức kinh tế Việt Nam trong trường hợp có ủy quyền hợp pháp bằng văn bản của đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ. Giấy ủy quyền phải được lập riêng cho mỗi lần ký kết và phải gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bản sao giấy ủy quyền này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giấy ủy quyền có hiệu lực.

 

Tác giả bài viết: Luat gia Đoàn Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây