Thủ tục đổi chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước 12 số?

Thứ ba - 07/09/2021 05:59
Vừa qua Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí Minh – Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam nhận được câu hỏi của công dân tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Nội dung công dân hỏi: Tôi muốn đổi chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân có được không? Việc đổi sang thẻ căn cước có tác dụng gì và thủ tục như thế nào?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO

Về vấn đề này, Luật gia Đỗ Minh Chánh – Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí minh xin trả lời như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật căn cước công dân 2014;

- Nghị định 05/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân;

- Nghị định 170/2007 của Chính phủ về chứng minh nhân dân;

2. Giá trị của thẻ căn cước

Hiện nay việc cấp mới, cấp lại hay đổi chứng minh nhân dân theo phương thức cũ có những bất cập như: Làm theo kiểu thủ công (in giấy, dán ảnh, ép…) gây mất thời gian cho cơ quan công an lẫn người dân, quản trị thủ công, phân tán ở các địa phương; nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, đi nước ngoài vi phạm về thay đổi họ tên, thay đổi chứng minh nhân dân nhưng không quản lý được; tình trạng trùng số chứng minh nhân dân hoặc một người có nhiều số chứng minh nhân dân...

Bổ sung mã vạch vào mẫu chứng minh nhân dân mới sẽ tạo thuận lợi cho việc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền muốn kiểm tra, xác nhận nhân thân của chủ chứng minh nhân dân thì truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân hoặc dùng máy quét mã vạch và máy sẽ cho biết đầy đủ các thông tin về người đó.

Trong tương lai, khi công dân đã được cấp chứng minh nhân dân mẫu mới 12 số thì việc xin cấp lại chứng minh nhân dân có thể làm ở bất cứ đâu, bất cứ địa phương nào. Khi xin cấp lại chứng minh nhân dân, người cần cấp có thể không phải trực tiếp đến cơ quan công an và không cần phải lăn tay, chụp ảnh lại. Người này chỉ cần có ủy quyền cho người khác hợp pháp thì sẽ được cấp chứng minh nhân dân mới.

3. Về thủ tục cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới (thẻ căn cước)

Hiện nay đối với thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân mẫu mới 12 số vẫn thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị định 05/1999 và Nghị định 170/2007 của Chính phủ về chứng minh nhân dân). Thời hạn sử dụng chứng minh nhân dân mẫu mới 12 số cũng là 15 năm kể từ ngày cấp.

Để được cấp thẻ căn cước bạn đến Phòng PC64 (Phòng Cảnh sát QLHC) hoặc các công an Quận, huyện nơi có hộ khẩu thường trú mang theo sổ hộ khẩu bản chính, điền thông tin vào mẫu đề nghị cấp chứng minh nhân dân (Mẫu CM3), có dán ảnh 3x4 không cần xác nhận của công an xã phường nơi có HKTT.

Bạn sẽ được chụp ảnh trực tiếp qua camera, lấy dấu vân tay trên máy tại nơi cấp chứng minh nhân dân. Cán bộ công an sẽ nhập liệu thông tin vào máy. Viết giấy hẹn, sau 7 ngày sẽ được nhận chứng minh nhân dân mẫu mới (ở khu vực nông thôn là 15 ngày).

- Trường hợp bị mất chứng minh nhân dân 9 số và xin đổi thành chứng minh nhân dân mẫu mới 12 số thì mẫu đề nghị cấp chứng minh nhân dân (Mẫu CM3phải có xác nhận, đóng dấu của công an xã phường nơi có HKTT, đóng dấu giáp lai ảnh. Thời gian được cấp lại chứng minh nhân dân mẫu mới là 15 ngày (do cần tra cứu).

- Sau khi nhận chứng minh nhân dân 12 số và nhận lại chứng minh nhân dân cũ (bị cắt góc), người có chứng minh nhân dân mới sẽ được cơ quan công an nơi cấp chứng minh nhân dân cấp giấy xác nhận, ghi rõ việc chuyển đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang chứng minh nhân dân 12 số. Giấy xác nhận này dùng để thực hiện tất cả các thủ tục giao dịch dân sự liên quan đến các giấy tờ trước đây (bằng cấp, sổ tiết kiệm, giao dịch ngân hàng...)

- Lệ phí đổi chứng minh nhân dân theo mẫu mới: Nếu thu nhận ảnh trực tiếp (chụp ảnh qua camera) thì lệ phí cấp đổi 50.000 đồng/ chứng minh nhân dân, bị mất cấp lại 70.000 đồng/ chứng minh nhân dân. Nếu thường trú tại các xã, thị trấn miền núi, biên giới, huyện đảo thì nộp 50% mức thu trên.

Khi đi bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

- Chứng minh nhân dân 9 số còn thời hạn vẫn được sử dụng bình thường, không bắt buộc phải đổi sang chứng minh nhân dân mẫu mới 12 số. Bạn phải xe địa phương mình đã làm thủ tục này chưa. Bởi hiện nay một số tình chưa thực hiện việc cấp đổi này.

- Người từ 14 tuổi đến dưới 15 tuổi không cần điền vào mẫu giấy xác nhận thông tin cá nhân.

- Nếu còn CMND cũ mà thông tin trên CMND vẫn còn rõ thì cũng không cần mẫu này; Trường hợp đổi từ CMND sang CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ trả lại CMND cũ để dùng tiếp chờ ngày lấy CCCD mới; Giấy xác nhận thông tin cá nhân phải được công an phường, xã nơi có hộ khẩu ký, đóng dấu xác nhận.

- Những lưu ý khi sử dụng chứng minh nhân dân và Căn cước công dân
- Lịch làm và nhận lại thẻ căn cước công dân: Từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết).

- Thời hạn nhận thẻ Căn cước: Không quá 7 ngày làm việc.

- Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định trên.

4. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp nào?

Điều 28 Luật căn cước công dân quy định:

Điều 28. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:

a) Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

3. Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy:

- Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

+ Tước quốc tịch: Điều 31 Luật quốc tịch

Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

+ Thôi quốc tịch: Điều 27 Luật quốc tịch

Điều 27. Căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam

1. Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

3. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

4. Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

+ Hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam: Điều 33 Luật quốc tịch

Điều 33. Căn cứ hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

1. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này, dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị hủy bỏ, nếu được cấp chưa quá 5 năm.

2. Việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của vợ hoặc chồng không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của người kia.

- Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:

+ Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

5. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Theo quy định tại Điều 26 Luật căn cước công dân thì:

Điều 26. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

 

Tác giả bài viết: Luật gia Đỗ Minh Chánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây