Nghĩa vụ trả nợ hợp đồng vay tín dụng

Thứ tư - 26/08/2020 00:03
“Đồng nghiệp của tôi có vay tiền tín dụng F. và ghi số điện thoại của tôi vào hồ sơ vay. Người này đã trễ hạn trả góp hơn một tháng. Nhân viên công ty tài chính F. buộc tôi phải trả nợ khoản vay của đồng nghiệp dù tôi không liên quan đến khoản tiền vay, không chịu trách nhiệm bảo lãnh hợp đồng vay. Những người xưng là nhân viên công ty này còn nhắn tin uy hiếp sẽ đăng thông tin cá nhân của tôi lên mạng xã hội. Xin hỏi, tôi có nghĩa vụ phải trả thay trong trường hợp này không? Nếu họ đăng thông tin của tôi lên mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì tôi có kiện được không?”.

Trả lời có tính chất tham khảo:

Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Theo các quy định nêu trên, bên vay tiền có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn. Với trường hợp nêu trên, đồng nghiệp của bạn vay tiền tín dụng của công ty tài chính F. và sử dụng thông tin số điện thoại của bạn để ghi vào hồ sơ vay. Như vậy, đồng nghiệp của bạn là bên vay tài sản. Do đó, người có nghĩa vụ phải trả đủ tiền cho công ty tài chính F. khi đến hạn là đồng nghiệp của bạn. Việc đồng nghiệp sử dụng thông tin số điện thoại của bạn để ghi vào hồ sơ vay tiền của cá nhân họ sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của bạn đối với khoản vay nói trên.

Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 34 BLDS năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín. Trường hợp công ty tài chính F. đăng thông tin của bạn lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín được xem là xâm phạm đến quyền  được bảo vệ đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bạn.

Điều 11 BLDS năm 2015 quy định: “Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.

5. Buộc bồi thường thiệt hại.

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật”.

Mặt khác, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 34 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp công ty tài chính F. đăng thông tin của bạn lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bạn thì ngoài các quyền tự bảo vệ như: yêu cầu công ty tài chính F. bác bỏ thông tin xâm phạm; yêu cầu công ty tài chính F. xin lỗi; cải chính công khai và bồi thường thiệt hại…, bạn còn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình; yêu cầu Tòa án buộc công ty tài chính F. phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

Tác giả bài viết: Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây