Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

Thứ năm - 12/03/2020 22:46
Điều 20 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm;

“Em đang là học sinh lớp 12, em có yêu một bạn cùng lớp. Không hiểu vì lý do gì, bạn học cùng trường với em dù không thân, không chơi với nhau nhưng bạn ấy lại đưa thông tin trên mạng xã hội rằng em và người yêu em đã ăn ở với nhau như vợ chồng. Việc này hoàn toàn là bịa đặt. Vậy em có nên viết đơn khởi kiện không?

Trả lời tư vấn:

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật quy định trong nhiều văn bản. Điều 20 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ðiều 37 Bộ luật Dân sự cũng quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Hành vi của người bạn cùng trường của em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình. Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

....

1) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Ngoài ra, hành vi của người bạn cùng trường đối với bạn còn có thể cấu thành Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...”.

Hoặc, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự:  “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Đối với nhiều người;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

- Đối với người thi hành công vụ;

- Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm  được xác định theo Ðiều 611 Bộ luật Dân sự: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

 

Tác giả bài viết: Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây