“Xin Trung tâm Tư vấn pháp luật cho biết, trường hợp một người rủ rê nhiều người cùng tham gia đánh bạc thì có coi là phạm tội tổ chức đánh bạc hay không?”.
Trả lời:
Điều 249 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” như sau: “Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”.
Tổ chức đánh bạc là hành vi rủ rê, lôi kéo người khác cùng tham gia đánh bạc.
Gá bạc là hành vi dùng nhà ở của mình hoặc các địa điểm thuận lợi khác để chứa đám bạc (để việc đánh bạc được thực hiện). Bản chất của gá bạc là sự trục lợi qua con bạc (lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của các con bạc với giá rẻ, làm các dịch vụ ăn uống, giải trí khác...). Không ít trường hợp người tổ chức đánh bạc, người gá bạc, người đánh bạc là một người.
Theo khái niệm này, chỉ cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép khi người vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn;
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật Hình sự.
- Đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích.
Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “với quy mô lớn” được hiểu là khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại..., để trợ giúp cho việc đánh bạc;
c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, “Quy mô lớn” khi được xác định theo tiêu chí hướng dẫn tại điểm a nêu trên có hai trường hợp:
Thứ nhất: Tổ chức cho từ mười người đánh bạc trở lên (trường hợp này không cần phải xác định giá trị tổng số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc).
Thứ hai: Tổ chức từ hai chiếu bạc trở lên và tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc của các chiếu bạc phải có giá trị từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ
Cần lưu ý: người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức hướng dẫn tại các điểm a, b, c nêu trên nhưng nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ hai triệu đồng trở lên thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm, không phân biệt họ có tham gia đánh bạc hay không.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn