Luật gia – Tư vấn viên Pháp luật Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban Truyền thông Pháp luật - Trung tâm tư vấn Pháp luật tại TP.HCM (Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam) xin được trả lời (tham khảo) như sau:
Căn cứ theo Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14, ngày 10/11/2019, tại Điều 34 về “Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động” quy định như sau:
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định tại Điều 35.- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14. Quy định:
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngành, nghề, công việc đặc thù và thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động (được hướng dẩn tại điều 7, Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021), cụ thể như sau:
1. Ngành, nghề, công việc đặc thù gồm:
a) Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
b) Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
c) Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;
d) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Tại điều 2, Nghị định 145 quy định: Nếu đang làm việc ở vị trí (điều 1), là người quản lý doanh nghiệp, trước khi nghỉ việc phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất trước 120 ngày (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên) và báo trước ít nhất ¼ thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, được hiểu như sau: Là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy, nếu nhân sự khi nhận vào làm việc được bổ nhiệm các chức danh được quy định theo điều lệ công ty như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng phòng/ban chuyên môn...thì chịu sự điều chỉnh của điều 7 Nghị định 145. Vì vậy trước khi nghỉ việc nhân sự này phải thông báo trước với công ty một khoản thời gian theo quy định nêu trên để công ty có thời gian chuẩn bị, sắp xếp nhân sự và tuyển dụng người thay thế vào vị trí của người đó đang phụ trách.
Theo luật, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải bàn giao công việc, nếu trong hợp đồng lao động có thỏa thuận, hoặc thỏa ước lao động tập thể cũng như các thỏa thuận hợp pháp khác (quy định tại điều 5, điều 48 – Bộ Luật Lao động – năm 2019).
Ngoài ra, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại bởi hành vi tự ý nghỉ việc của người lao động mà không báo trước một thời gian theo quy định; bồi thường thiệt hại do Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động...được quy định trong nội quy lao động.
Về việc người Giám đốc kinh doanh nêu trên nếu có hành vi quấy rối, đe dọa công ty, hay tổ chức, cá nhân khác (qua email, mạng xã hội), Thì tùy theo tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả cụ thể thì sẽ bị bị xứ phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020; Nghị định số: 14/2022/NĐ-CP - sửa đổi bổ sung của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của vụ việc.
Trung tâm tư vấn Pháp luật TP.HCM
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn