“Do quen biết, tôi có cho anh X. vay số tiền 100 triệu đồng (có giấy nhận tiền) nói là để làm ăn, nhưng thực chất thì dùng việc tiêu xài cá nhân. Khi tôi vắng nhà, lợi dụng lòng tin của vợ tôi, anh X. đến mượn chiếc xe máy nói là để đi công chuyện gấp, đã hơn 1 tuần lễ mà vẫn chưa trả và cố tình tránh không gặp vợ chồng tôi. Tìm hiểu thì chúng tôi được biết chiếc xe đang bị cầm cố ở cửa hàng H. Xin Tòa soạn tư vấn cho tôi phải làm cách nào để có thể lấy lại tài sản từ anh X.?”
Trả lời:
Về việc xác định hành vi phạm tội của X.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.
Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
…
5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Về việc tố cáo hành vi của X.
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.
Như vậy, bạn có thể gửi đơn tố cáo hành vi của anh X. đến các cơ quan nêu trên, kèm theo các tài liệu, chứng cứ có liên quan để đề nghị khởi tố vụ án nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn