Phản tố của bị đơn trong tranh chấp kinh doanh, thương mại giải quyết bằng tòa án.

Thứ hai - 20/07/2020 00:15
Yêu cầu phản tố là yêu cầu của bị đơn liên quan đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc yêu cầu đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Yêu cầu phản tố trong tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là quyền đặc thù của bị đơn trong tranh chấp. Quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tố tụng của bị đơn, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh, toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp.   

Đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại tòa án thì quyền yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015). Tại Khoản 4 Điều 72 BLTTDS 2015 quy định “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”. Căn cứ vào Điều 200 của BLTTDS năm 2015 thì phạm vi yêu cầu phản tố của bị đơn không chỉ dừng lại đối với nguyên đơn, mà còn có thể yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khoản 4 Điều 72 BLTTDS năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”.

Theo Khoản 2 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 phạm vi yêu cầu phản tố của bị đơn bị giới hạn trong 03 trường hợp và được tòa án chấp nhận. Cụ thể: (1) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (2) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (3) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Căn cứ vào quy định chung về quyền, nghĩa vụ của bị đơn tại Điều 72 BLTTDS năm 2015 thì bị đơn chỉ có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, mà không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Nhưng khi áp dụng theo Điều 200 của Bộ luật này, quy định trực tiếp về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn thì “… bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.

Tại các quyền và nghĩa vụ chung của đương sự được quy định tại Điều 70 của BLTTDS năm 2015 thì ngoài các quyền và nghĩa vụ được liệt kê thì tại Khoản 26 của điều luật này có thêm quy định “Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định”. Nếu căn cứ vào quyền, nghĩa vụ chung của đương sự tại Điều 70 (trong đó có bị đơn) thì việc bị đơn thực hiện quyền phản tố tại Điều 200, bao gồm phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không mâu thuẫn với Điều 70. Nhưng căn cứ vào quyền, nghĩa vụ đặc thù của bị đơn tại Điều 72 thì việc bị đơn thực hiện quyền phản tố tại Điều 200, bao gồm phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là mâu thuẫn với Điều 72.

Điều 200 của BLTTDS năm 2015 chỉ cho phép tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Nhưng theo Điều 73 của BLTTDS năm 2015 thì “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”. Như vậy, khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, nhưng tham gia tố tụng với bên nguyên đơn thì bị đơn không có quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để bù trừ nghĩa vụ với người này. Thế nhưng, trong vụ án, nếu có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì có thể phát sinh nghĩa vụ của bị đơn đối với người này, dù người này không có yêu cầu độc lập. Do đó, nếu xét về bản chất phản tố thì bị đơn vẫn có quyền yêu cầu bù trừ nghĩa vụ đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại tòa án, Khoản 1 Điều 200 của BLTTDS quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”. Thời điểm bị đơn có quyền thực hiện yêu cầu phản tố là cùng lúc với thời điểm nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn.

Theo Khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, kèm theo yêu cầu phản tố (nếu có). Căn cứ vào quy định nêu trên, thời điểm bắt đầu thực hiện quyền phản tố của bị đơn là ngay khi nhận được thông báo của tòa án về việc thụ lý vụ án. Thời điểm này, bị đơn chỉ có thể thực hiện được quyền phản tố đối với nguyên đơn. Trong nội dung của thông báo thụ lý theo Điều 196 BLTTDS, không có thông tin về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bị đơn hoàn toàn không thể yêu cầu bù trừ nghĩa vụ hay loại trừ yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trừ khi bị đơn biết trong vụ án đó có đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia. Trong trường hợp đơn khởi kiện của nguyên đơn không có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì bị đơn chỉ có thể biết được người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào thời điểm diễn ra phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Nhưng tại Khoản 3 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Đây là thời gian kết thúc việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn. Sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì không có quy định nào cho phép bị đơn thực hiện quyền phản tố. Cụ thể, theo Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC của TANDTC thì “Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần thì lần hòa giải đầu tiên Tòa án phải tiến hành theo đúng trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với lần hòa giải tiếp theo, Tòa án chỉ tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ khi có tài liệu, chứng cứ mới và ghi vào biên bản hòa giải”.

BLTTDS quy định giới hạn “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Căn cứ vào quy trình tố tụng, các phiên họp tiếp theo không thể được gọi là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vì vậy, thời điểm bị đơn phản tố phải được thực hiện trước khi mở phiên họp đầu tiên theo thủ tục quy định tại Điều 120 của BLTTDS năm 2015. Thực tế, tòa án có thể chấp nhận yêu cầu phản tố trong quá trình diễn ra phiên họp đầu tiên hoặc sau khi diễn ra phiên họp đầu tiên. Việc mở rộng phạm vi thời gian thực hiện quyền phản tố này vừa nhằm tạo điều kiện cho bị đơn có đủ thời gian phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi bị đơn nắm chính xác được toàn bộ thông tin vụ án, vừa tạo điều kiện cho việc giải quyết, chấp nhận phản tố được chính xác.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trong tranh chấp kinh doanh, thương mại, bị đơn có thể thực hiện quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi tranh chấp được giải quyết bằng hình thức tòa án. Tuy nhiên, các quy định về phạm vi, thời điểm bắt đầu, kết thúc hoặc thủ tục phản tố, kiện lại trong BLTTDS năm 2015 còn khá nhiều bất cập, chưa thực sự đảm bảo và tạo điều kiện cho bị đơn thực hiện quyền này một cách thuận lợi. Do đó, cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm góp phần vào việc đảm bảo quyền lợi cho bị đơn khi tham gia tố tụng theo quy định của BLTTDS năm 2015.

Tác giả bài viết: Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây