I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ NĂM 2001 VÀ SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT
Luật giao thông đường bộ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 (sau đây gọi chung là Luật năm 2001). Đây là Luật đầu tiên về giao thông đường bộ, được đúc kết sau một quá trình thực hiện các Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các lĩnh vực có liên quan.
Luật Giao thông đường bộ có tính xã hội sâu rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì vậy, ngay sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện. Với nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội, việc thực hiện Luật năm 2001 đã đạt được nhiều kết quả tốt, cụ thể:
- Tạo được hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động giao thông vận tải đường bộ:
Sau khi Luật năm 2001 được thông qua, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến nay, đã ban hành 168 văn bản, trong đó, Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 2 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Quyết định và 5 Chỉ thị; Bộ Giao thông vận tải ban hành 93 Quyết định, 11 Thông tư và 9 Chỉ thị ; Bộ Công an ban hành 1 Quyết định, 3 Thông tư; Bộ Tài chính ban hành 2 Quyết định, 11 Thông tư; Bộ Y tế ban hành 1 Quyết định; Bộ Giao thông vận tải liên tịch cùng các Bộ ban hành 6 Thông tư liên tịch; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở địa phương.
Luật năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã điều chỉnh tương đối toàn diện các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ, bao gồm: quy tắc giao thông đường bộ; các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường bộ của kết cấu hạ tầng, của phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; hoạt động vận tải đường bộ.
- Góp phần hình thành ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường:
Việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ được triển khai thực hiện thường xuyên, trên diện rộng với nhiều hình thức phong phú và đã đạt được một số kết quả nhất định; đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa mang tính cơ bản lâu dài nhằm hình thành nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật, tạo thói quen cho người tham gia giao thông đường bộ chấp hành đúng quy định của pháp luật.
- Góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành giao thông đường bộ và nền kinh tế đất nước:
Luật năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông đường bộ; tạo hành lang pháp lý để quản lý, thúc đẩy sự phát triển của ngành, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ nước ta có tổng chiều dài 223.059 km (không tính đường chuyên dùng), tăng thêm 3871 km so với cuối năm 1999, trong đó 93 tuyến quốc lộ có tổng chiều dài 17.020 km và 4.239 cầu dài 144.539 md. Hệ thống quốc lộ được cải tạo, nâng cấp, đưa vào khai thác, sử dụng, nhiều đường cấp I, II, III chiếm tỷ lệ 41%, hệ thống đường tỉnh đạt cấp IV, V và VI. Quốc lộ và đường tỉnh có mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng là 31.033 km, chiếm 77,3% tổng chiều dài, tăng 13.163 km so với năm 1999.
Công tác bảo trì đường bộ được chú trọng hơn trước, tổng mức đầu tư cho công tác này tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng đã từng bước được nâng lên, hệ thống báo hiệu đường bộ đã được hoàn chỉnh theo hướng hiện đại, ứng dụng vật liệu mới; công tác tổ chức quản lý, bảo vệ công trình, hành lang an toàn đường bộ, xử lý điểm đen, cải thiện các yếu tố kỹ thuật của cầu đường đã được chú trọng giải quyết.
Khối lượng vận tải hành khách và hàng hóa tăng nhanh, ổn định, năm sau tăng cao hơn năm trước, tăng trưởng bình quân hàng năm từ năm 2001 đến năm 2006 về vận tải hàng hóa là 9%, vận tải hành khách 12%, cao hơn so với tăng trưởng GDP cùng kỳ là 8%. Hàng năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng ô tô chiếm 62% tổng khối lượng vận chuyển về tấn, lượng vận chuyển hành khách bằng ô tô chiếm 82,5% tổng lượng vận chuyển hành khách; luồng tuyến vận tải khách luôn được mở rộng với trên 1.500 tuyến và 600 bến xe. Vận tải bằng đường bộ về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của xã hội cả về khối lượng và chất lượng.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phát triển mạnh, so với năm 2002 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng 15.637.399 xe, nâng tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cả nước lên 22.517.800 xe. Đối với xe ô tô tải và ô tô chở người đã quy định niên hạn sử dụng, qua đó đã loại bỏ 48.037 xe, trong đó có 28.090 xe tải, 3.687 xe chở người, 15.460 xe chở khách. Xe máy chuyên dùng đã đăng ký, cấp biển số được 35.087 chiếc. Các địa phương đã đăng ký được gần 48.136 xe máy kéo nhỏ và quy định phạm vi địa bàn, thời gian hoạt động của loại phương tiện này.
Công tác quản lý người lái xe cũng đã được chú trọng, đã thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo. Hiện nay, cả nước có 180 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 369 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, đủ đáp ứng nhu cầu trong cả nước. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa và tăng cường theo hướng nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của người học, của dư luận xã hội, của cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, cả nước có 42 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô có thiết bị chấm điểm tự động. Tính từ năm 2002 đến nay đã đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho 16.191.113 người lái xe mô tô, 1.028.441 người lái xe ô tô, nâng tổng số người có giấy phép lái xe mô tô lên 20.269.881 người và người có giấy phép lái xe ô tô lên 1.604.679 người.
- Tạo lập được những điều kiện thuận lợi để ngành giao thông đường bộ Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải của các nước trong khu vực:
Đến nay, Việt Nam đã tham gia một số cam kết quốc tế về công nhận giấy phép lái xe lẫn nhau; về vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước trong khu vực. Trong quản lý phương tiện cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, bảo vệ môi trường quốc tế và trong thiết kế xây dựng cầu đường cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là trong tình trạng trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn biến ngày càng phức tạp, Luật năm 2001cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời để góp phần giải quyết một số hạn chế sau đây:
- Với số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, bên cạnh đó còn tình trạng một số văn bản chậm được ban hành như quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người tàn tật.... Chất lượng một số văn bản chưa cao, chưa sát thực tế nên phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần như Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô gây khó khăn cho việc áp dụng, triển khai trên thực tế.
- Trong xây dựng chiến lược, quy hoạch còn thiếu đồng bộ giữa phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với quy hoạch phát triển đô thị, giữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông đường bộ nói riêng thiếu ổn định và đồng bộ, không bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý việc thực hiện quy hoạch chưa chặt chẽ.
- Tiến độ nhiều dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chậm cùng với tình trạng các khu vực dân cư, khu vực trụ sở cơ quan, tổ chức đan xen nhau làm tăng nhu cầu đi lại, gây khó khăn trong tổ chức vận tải và làm cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn; hệ quả tất yếu là ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng nhất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhiều đoạn tuyến trên hệ thống quốc lộ khi vừa cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới xong đã bị các địa phương tận dụng để quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, các trụ sở, cơ quan, tổ chức và dần dần thành đường đô thị.
- Thực hiện quy định về niên hạn sử dụng đối với ô tô tải, ô tô chở người, cơ quan đăng kiểm đã xác định phương tiện hết niên hạn sử dụng là 48.037 xe nhưng do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thường xuyên và công tác tuần tra, kiểm soát còn hạn chế nên số phương tiện hết niên hạn sử dụng được giải bản, thu hồi biển số còn ít, nhiều phương tiện loại này đã tiếp tục được đưa về vùng sâu, vùng xa sử dụng.
- Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn một số tồn tại như: năng lực đội ngũ giáo viên dạy lái xe chưa đồng đều; tình trạng cắt xén nội dung, chương trình đào tạo khá phổ biến; sát hạch lái xe mô tô còn thủ công, phân tán, còn biểu hiện tùy tiện, nể nang, ở nhiều nơi chất lượng còn thấp; thậm chí còn một số tiêu cực xảy ra.
- Công tác quản lý, giáo dục lái xe chưa được chủ sử dụng lao động chú ý; chưa tổ chức phổ biến, cập nhật kiến thức mới thường xuyên, tuyên truyền pháp luật định kỳ cho lái xe, chưa bảo đảm điều kiện, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, các chế độ bảo hiểm cho lái xe theo quy định. Vì vậy tình trạng không ít lái xe coi thường kỷ cương pháp luật, nghiện hút ma túy, cá biệt có lái xe chống người thi hành công vụ.
- Công tác quản lý vận tải còn đơn giản, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả, chưa chú trọng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng, đăng ký thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng, giá cả và các ưu đãi khác. Hiện tượng chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu còn nhiều. Trong hoạt động vận tải khách đường dài chưa có tổ chức trạm dừng nghỉ; công tác quản lý ở bến xe còn chưa tốt, chưa tạo thuận lợi và yên tâm cho lái xe và cho khách ra vào bến xe. Tình trạng lái xe không thực hiện quy định thời gian làm việc theo quy định của Luật Giao thông đường bộ còn khá phổ biến; nhiều chủ doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, yêu cầu lái xe tăng chuyến, tăng tải... gây ra tình trạng tranh giành khách, ép giá, chở quá tải, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông.
- Do hạn chế về lực lượng, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ chưa bao quát được toàn bộ địa bàn và tất cả thời gian trong ngày, vì vậy các hành vi vi phạm pháp luật giao thông như điều khiển xe không có giấy phép lái xe, chở quá tải, quá số người quy định, chở hàng cồng kềnh, đi không đúng phần đường ... còn diễn ra phổ biến. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ không bị xử phạt hoặc xử phạt không đúng mức còn nhiều.
- Có sự không thống nhất trong tổ chức lực lượng Thanh tra đường bộ và thẩm quyền xử lý trong thời gian dài nên lực lượng Thanh tra đường bộ trong thời gian từ năm 2003 đến nay hoạt động hiệu quả thấp. Các Trạm kiểm tra tải trọng xe ngừng hoạt động để hiện đại hoá, củng cố lực lượng, nhưng chậm củng cố, hiện đại hóa nên các Trạm này chưa hoạt động được; hiện tượng xe vi phạm quá tải tăng. Luật năm 2001 quy định Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được kiểm soát, xử lý vi phạm ở các điểm giao thông tĩnh trong khi các hành vi vi phạm nhất là vi phạm trong hoạt động vận tải lại "rất động" nên đã hạn chế vai trò, tác dụng của lực lượng này.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống phát luật Việt Nam, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, để Luật giao thông đường bộ phát huy tốt tác dụng, xây dựng được mạng lưới giao thông hiện đại, tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông, bảo đảm giao thông đường bộ luôn an toàn và thông suốt, Luật giao thông đường bộ năm 2001 cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII đã thông qua Luật giao thông đường bộ.
II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC SỬA ĐỔI LUẬT
Việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2001 có tác động nhất định đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước. Vì vậy, ngoài việc quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2001 được thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Bảo đảm tính kế thừa nội dung điều chỉnh phù hợp của Luật; chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ không phù hợp hoặc còn thiếu; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập của ngành giao thông vận tải.
2. Đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.
4. Bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và xu thế, thực tiễn của hoạt động giao thông vận tải đường bộ trong nước.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Luật giao thông đường bộ gồm 8 chương với 89 điều.
Trong số 89 điều, Luật chỉ có 03 điều của Luật năm 2001 được giữ nguyên (chiếm 3.37%); có 68 điều bổ sung, sửa đổi (chiếm 76.40%) và 18 điều mới (chiếm 20.23%).
1. Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)
Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động, chính sách phát triển, quy hoạch giao thông vận tải đường bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi bị nghiêm cấm.
So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh theo hướng liệt kê tên Chương để thể hiện đầy đủ các lĩnh vực điều chỉnh của Luật (không chỉ có vấn đề an toàn giao thông đường bộ mà còn quản lý vận tải, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đầu tư, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông), đồng thời quy định rõ và bổ sung một số nguyên tắc trong hoạt động giao thông đường bộ cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh toàn diện hoạt động giao thông vận tải đường bộ.
Nhiều từ ngữ mới được giải thích tại Điều 3, đặc biệt khái niệm “đất của đường bộ” có sự thay đổi về cơ bản.Với diễn biến phức tạp của việc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, trước yêu cầu bảo vệ an toàn cho công trình đường bộ, tham khảo quy định của Luật đường bộ Trung Quốc, Luật giao thông đường bộ đã quy định đất của đường bộ không chỉ là “phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng” như quy định tại Luật năm 2001, mà còn thêm “phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ”, như vậy đã mở rộng hơn so với quy định của Luật năm 2001. Bên cạnh đó, một số khái niệm cũng có những điểm mới cần chú ý như khái niệm “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” được bổ sung đối tượng là “rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo” và “xe máy điện”, khái niệm “phương tiện giao thông thô sơ đường bộ ” được bổ sung đối tượng là “xe đạp máy” và “xe lăn dùng cho người khuyết tật”. Việc bổ sung như vậy để kịp thời xây dựng hành lang pháp lý cho những loại hình phương tiện giao thông chưa được điều chỉnh rõ ràng trong hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ.
Luật giao thông đường bộ cũng bổ sung một điều mới (Điều 6) về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, với các quy định mang tính nguyên tắc trong việc xác định loại hình, mục tiêu, căn cứ, trình tự lập quy hoạch, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong công tác này.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), với mục tiêu tăng cường bảo đảm an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ cũng có quy định chặt chẽ hơn đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cụ thể: nghiêm cấm người “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở không được “vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở ”. Như vậy, với những đối tượng điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường, do mức độ nguy hiểm cao hơn nên Luật quy định nghiêm cấm sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia...); đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường, tuy Luật không cấm nhưng quy định nồng độ cồn thấp hơn so với quy định của Luật năm 2001 và là mức 35 nước trên thế giới áp dụng. Với quy định nồng độ cồn như vậy thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng chỉ có thể được uống một lượng nhỏ đồ uống có cồn.
2. Chương II. Quy tắc giao thông đường bộ, gồm 30 điều (từ Điều 9 đến Điều 38)
Chương này quy định về quy tắc giao thông đường bộ (gồm hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành báo hiệu đường bộ; tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe; sử dụng làn đường; vượt xe; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đường phố; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng; quyền ưu tiên của một số loại xe; qua phà, qua cầu phao; nhường đường tại nơi đường giao nhau; đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt; giao thông trên đường cao tốc, giao thông trong hầm đường bộ; tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ; xe kéo xe và xe kéo rơ-moóc; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe thô sơ khác; người đi bộ, người tàn tật, người già yếu tham gia giao thông; người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ và các hoạt động khác trên đường bộ; sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố; tổ chức giao thông và điều khiển giao thông, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông).
So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ bổ sung một số quy định về quy tắc giao thông đường bộ cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, bảo đảm an toàn giao thông như quy định các đối tượng không được đi vào đường cao tốc (gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h); quy định cụ thể về độ tuổi của trẻ em được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới 7 tuổi (Luật năm 2001 không quy định độ tuổi cụ thể).
Điểm đáng chú ý trong Chương này là ngoài quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách, Luật giao thông đường bộ còn bổ sung quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy. Mặc dù theo quy định tại Điều 3, xe đạp máy được xếp vào loại xe thô sơ do có tốc độ thiết kế chỉ khoảng 25-30km/h, dễ điều khiển, loại xe này không phải đăng ký để cấp biển số, người điều khiển không cần có giấy phép lái xe nhưng để bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông, Luật quy định người điều khiển loại xe này phải đội mũ bảo hiểm.
3. Chương III. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gồm 14 điều (từ Điều 39 đến Điều 52)
Chương này quy định về phân loại đường bộ; đặt tên, số hiệu đường bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi đất dành cho đường bộ; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ; công trình báo hiệu đường bộ; đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; quản lý, bảo trì đường bộ; nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ; xây dựng đoạn đường giao nhau cùng mức giữa đường bộ với đường sắt; bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí đường bộ; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ bổ sung quy định cụ thể việc phân loại đường bộ, đồng thời quy định rõ thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ của Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) và của Uỷ ban nhân dân (đối với đường địa phương); bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc việc đặt tên, số hiệu đường bộ. Quy định cụ thể hơn việc sử dụng đất nằm trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Luật Giao thông đường bộ quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26% để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của giao thông đô thị, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực.
Về vấn đề bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ, Luật giao thông đường bộ bổ sung quy định về công tác thẩm định về an toàn giao thông đối với công trình đường bộ, việc xây dựng công trình đường bộ phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật, quy định cụ thể việc đấu nối, việc xây dựng đường gom để bảo đảm an toàn giao thông cho hệ thống quốc lộ. Quy định chặt chẽ đối với việc sử dụng, quản lý công trình báo hiệu đường bộ.
Luật giao thông đường bộ cũng bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc đối với việc đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của đơn vị thi công công trình trên đường bộ đang khai thác phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của đơn vị thi công trên đường bộ trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Đối với công tác quản lý, bảo trì đường bộ, Luật đã làm rõ khái niệm bảo trì đường bộ, quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ, đặc biệt là việc hình thành Quỹ bảo trì đường bộ (từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác) để quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương nhằm mục đích bảo đảm kinh phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tạo cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực cho việc bảo trì hệ thống đường bộ, từ đó góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, xây dựng mới hệ thống đường bộ. Quy định này được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của 55 nước trên thế giới có Quỹ bảo trì đường bộ hoặc Quỹ phát triển đường bộ.
4. Chương IV. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm 5 điều (từ Điều 53 đến Điều 57)
Chương này quy định về điều kiện tham gia giao thông đường bộ của các loại phương tiện (xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng); cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
So với Luật năm 2001, Chương này được sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, để phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và một số Hiệp định Việt Nam đã ký kết cho phép xe tay lái bên phải của một số nước vào Việt Nam, đồng thời để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của phát triển du lịch, Luật giao thông đường bộ cũng bổ sung quy định về việc cho phép xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Trong Nghị định của Chính phủ sẽ quy định chi tiết các trường hợp cho phép xe ô tô có tay lái bên phải của các nước được vào Việt Nam. Luật năm 2001 không giao thẩm quyền này cho Chính phủ nên cơ quan có thẩm quyền cho phép xe ô tô có tay lái bên phải của các nước được vào Việt Nam là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy thủ tục xin phép phải mất nhiều thời gian. Với quy định mới giao quyền cho Chính phủ sẽ tạo sự linh hoạt, thuận lợi hơn trong tiến hành các thủ tục để cho phép xe ô tô có tay lái bên phải (chủ yếu là xe du lịch) của các nước được vào Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cải cách thủ tục hành chính .
Nhằm tạo sự thống nhất trong công tác quản lý các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, nâng cao vai trò của Bộ quản lý chuyên ngành, Luật giao thông đường bộ cũng giao thẩm quyền quy định và tổ chức việc thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới cho Bộ Công an, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải, bảo đảm nguyên tắc cơ quan nào cấp thì cơ quan đó thu hồi.
5. Chương V. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm 6 điều (từ Điều 58 đến Điều 63)
Chương này quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông; giấy phép lái xe; tuổi và sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe, sát hạch để cấp giấy phép lái xe; điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông; điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông.
So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ đã bổ sung quy định về các loại giấy tờ mà người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể:
- Người lái xe phải mang Đăng ký xe, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển xe ô tô, xe mô tô), Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với người điều khiển xe ô tô), Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo Đăng ký xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Quy định này nhằm tăng cường kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc.
Đối với quy định về người lái xe, Luật giao thông đường bộ quy định nâng độ tuổi tối thiểu của người lái xe ô tô chở người từ 10-30 chỗ ngồi tăng từ 21 tuổi (theo Luật năm 2001) lên là 24 tuổi, tuổi tối thiểu của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi tăng từ 25 tuổi (theo Luật năm 2001) lên là 27 tuổi và quy định nâng hạng giấy phép lái xe đối với người lái xe tải kéo sơ mi rơ mooc, nâng từ giấy phép lái xe hạng C (21 tuổi) lên giấy phép lái xe hạng FC (24 tuổi).
6. Chương VI. Vận tải đường bộ, gồm 20 điều (từ Điều 64 đến Điều 83)
So với Luật năm 2001, Luật Giao thông đường bộ đã phân biệt, làm rõ hoạt động vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, do đó chia Chương này thành 2 Mục:
Mục 1. Hoạt động vận tải đường bộ quy định về hoạt động vận tải đường bộ; thời gian làm việc của người lái xe ôtô; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; vận tải hành khách bằng xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách; trách nhiệm của người lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải hành khách; quyền và nghĩa vụ của hành khách; vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa, người thuê vận tải hàng hoá, người nhận hàng; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; vận chuyển động vật sống; vận chuyển hàng nguy hiểm; hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị; vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự; vận tải đa phương thức;
Mục 2. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; tổ chức và hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.
Quy định như vậy tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với hai loại hình dịch vụ này.
Trên cơ sở nâng những quy định của văn bản dưới Luật đã được thực hiện ổn định trong thực tế lên thành Luật, Luật giao thông đường bộ đã bổ sung quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ, quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đặc biệt quy định “phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ”. Đây là quy định mang tính đột phá trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Thiết bị giám sát hành trình của xe (hộp đen) là công cụ hữu hiệu để quản lý hành trình của xe, kiểm soát được việc tuân thủ pháp luật của lái xe, cho phép can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời khi xe gặp sự cố. Thực hiện tốt quy định này sẽ nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải khách công cộng, tăng cường bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ quyền lợi của hành khách, tăng cường công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Căn cứ điều luật này, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, lộ trình thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Luật giao thông đường bộ cũng bổ sung nhiều điều quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải, người lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải hành khách, hành khách, người thuê vận tải, người nhận hàng; quy định về vận chuyển động vật sống, vận tải đa phương thức; tổ chức, hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ. Không chỉ quy định chi tiết quyền, nghĩa vụ của từng đối tượng tham gia trong hoạt động vận tải đường bộ (người kinh doanh vận tải, người lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải hành khách, hành khách, người thuê vận tải, người nhận hàng), Luật giao thông đường bộ còn quy định ràng buộc trách nhiệm của người kinh doanh vận tải “Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này”.
Luật giao thông vận tải bổ sung 1 điều mới về vận tải đa phương thức trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
7. Chương VII. Quản lý nhà nước, gồm 4 điều (từ Điều 84 đến Điều 87)
Chương này quy định nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; thanh tra đường bộ; tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.
So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ bổ sung một số nội dung quản lý nhà nước về vận tải đường bộ như việc quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Luật giao thông đường bộ cũng quy định bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra đường bộ để nâng cao vai trò, hiệu quả của lực lượng thanh tra, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật như“được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình giao thông”, “ phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ; bến xe, bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe và tại cơ sở kinh doanh vận tải”... So với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ đã bỏ khái niệm “giao thông tĩnh” vì khái niệm này không bao quát hết được phạm vi hoạt động của thanh tra đường bộ (ví dụ còn hoạt động thanh tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải), Luật giao thông đường bộ quy định theo hướngliệt kê cụ thể để làm rõ phạm vi hoạt động của thanh tra đường bộ.
Điểm đáng chú ý trong Chương này quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết theo quy định của Chính phủ. Quy định này xuất phát từ yêu cầu thực tế, khi tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp, lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng, yêu cầu bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn đòi hỏi ngày càng cao, việc huy động các lực lượng khác tham gia hỗ trợ cảnh sát giao thông là cần thiết.
Với quan điểm đổi mới trong việc xây dựng luật, so với Luật năm 2001, Luật giao thông đường bộ đã bỏ Chương Khen thưởng, xử lý vi phạm, đồng thời bỏ một số điều đã được quy định cụ thể tại các Luật khác như quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra (đã được quy định tại Luật thanh tra), quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện (đã được quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo).
8. Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 88, Điều 89)
Chương này quy định về hiệu lực thi hành của Luật và quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Luật giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và thay thế Luật giao thông đường bộ ngày 29/6/2001.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ quy định của Luật giao thông đường bộ, Bộ giao thông vận tải dự kiến Danh mục văn bản hướng dẫn thi hành Luật gồm 55 văn bản, trong đó có 09 Nghị định của Chính phủ, 34 Thông tư của Bộ trưởng, 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 06 văn bản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Đối với các Dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ, dự kiến cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành văn bản theo thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế. Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật dự kiến sẽ được ban hành đầy đủ trước khi Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Bộ Giao thông vận tải đang triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ, coi đây là công tác trọng tâm trong năm 2009 với mục tiêu tuyên truyền kịp thời, thường xuyên với nhiều hình thức các quy định của Luật giao thông đường bộ đến từng người dân, đặc biệt là các quy định mới, bảo đảm về cơ bản, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân được tiếp cận để có cách hiểu đúng và thống nhất các quy định trước khi Luật có hiệu lực thi hành, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Luật. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật để các văn bản này có chất lượng cao, đi vào cuộc sống, góp phần phát triển ngành giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn