Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở

Chủ nhật - 10/05/2020 00:29
Quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo ra các điều kiện để công nhận, xác lập, duy trì, ổn định và phát triển tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

1. Nội dung quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác này trong việc góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để phát huy tốt nhất hiệu quả của hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội, Nhà nước thực hiện sự quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển.

Quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo ra các điều kiện để công nhận, xác lập, duy trì, ổn định và phát triển tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Theo quy định tại Chương IV Luật hoà giải ở cơ sở năm 2013, Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở thì nội dung quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở bao gồm:
- Ban hành văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; 
- Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở;
- Xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới Tổ hoà giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở;
- Tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kỹ năng hoà giải cho hòa giải viên;
- Biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ năng hoà giải ở cơ sở;
- Quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác hoà giải ở cơ sở;
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở;
- Sơ kết, tổng kết, đánh giá, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở;
- Tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải ở cơ sở.           
2. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở
Theo quy định tại Luật hoà giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở bao gồm:
2.1. Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác hòa giải trong phạm vi cả nước.
2.2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
c) Biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp tỉnh;
d) Quy định mẫu Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; mẫu, biểu thống kê về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2.3.Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
2.4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,  trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, cụ thể:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương;
b) Biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định;
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
2.5. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hoà giải ở địa phương, cụ thể có nhiệm vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
2.6. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; cung cấp tài liệu, thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này;
b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp;
c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định;
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi cần thiết; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải của xã, phường, thị trấn trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Sở Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
2.7. Phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở
2.8. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã) hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở cho cá nhân quy định tại Điều 2 của Nghị định này;
b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận, cho thôi tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên;
c) Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải tại xã, phường, thị trấn;
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của xã, phường, thị trấn khi cần thiết; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
3. Hướng dẫn quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở
1.Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở
1.1. Củng cố, kiện toàn tổ chức các Tổ hòa giải ở cơ sở hiện có:
- Rà soát tổ chức Tổ hòa giải ở cơ sở: Để kiện toàn các tổ hòa giải hiện có, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cần chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân hướng dẫn Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soátsố lượng tổ hòa giải; số lượng, thành phần hòa giải viên hiện có của tổ hòa giải, số người cần được bổ sung, các trường hợp thôi không làm hòa giải viên (nếu có).
Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá về tổ chức của Tổ hòa giải, Trưởng ban công tác Mặt trận kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, bao gồm: số lượng tổ hòa giải cần thành lập mới; các Tổ hòa giải phải củng cố, kiện toàn; các trường hợp cho thôi hòa giải viên; dự kiến số lượng bổ sung hòa giải viên, Tổ trưởng tổ hòa giải.
- Bầu bổ sung hòa giải viên:
Việc bầu bổ sung hòa giải viên được tiến hành trong trường hợp số lượng hòa giải viên trong tổ hòa giải thiếu theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu thực tế của công việc, cần bổ sung.
Trong trường hợp này, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã chủ động báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thông báo cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã chuẩn bị công tác lựa chọn, giới thiệu người để nhân dân thôn, tổ dân phố bầu bổ sung hòa giải viên. Biên bản bầu bổ sung hòa giải viên được gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét để công nhận. Trên cơ sở kết quả bầu hòa giải viên, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên.
- Cho thôi hòa giải viên:
Việc cho thôi hòa giải được thực hiện trong các trường hợp: (i) Theo nguyện vọng của hòa giải viên; (ii) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật hòa giải ở cơ sở;(iii) Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải ở cơ sở hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.
Căn cứ biên bản họp nhân dân, họp chủ hộ hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ về việc cho thôi hoà giải viên do trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã đề nghị bằng văn bản để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc cho thôi hòa giải viên. Sau khi có quyết định cho thôi hòa giải viên, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã cần nhanh chóng đề nghị người được cho thôi hòa giải viên bàn giao các công việc của Tổ hoà giải cho Tổ trưởng Tổ hoà giải.
1.2. Thành lập tổ hòa giải mới:
Theo quy định hiện hành, căn cứ đặc điểm, tình hình thực tiễn tại địa phương, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cần tham mưu, giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định việc thành lập tổ hoà giải ở địa phương.
 Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải thường xuyên phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư... rà soát, đánh giá nhu cầu thành lập mới tổ hoà giải tại địa bàn dân cư. Căn cứ vào kết quả rà soát, đánh giá, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tổng hợp, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập mới tổ hòa giải.
Trên cơ sở quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc thành lập mới Tổ hòa giải ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu người để nhân dân bầu hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải theo đúng quy định của pháp luật. Quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên được quy định cụ thể tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN.
Trên cơ sở kết quả bầu hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải.
2. Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở
Theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cần thường xuyên theo dõi, trực tiếp chỉ đạo, hướngdẫn hoạt động của Tổ hòa giải theo các quy định của pháp luật. Việc hướng dẫn trực tiếp được thực hiện thông qua các hình thức như: họp trao đổi, rút kinh nghiệm; hướng dẫn bằng văn bản.
3. Bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho Tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên
- Định kỳ, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã theo dõi, nắm trình độ, năng lực thực tiễn, nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của đội ngũ hòa giải viên để tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cụ thể, sát thực với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Biên soạn, hỗ trợ tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật (như sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật, sách hỏi – đáp về pháp luật, tờ gấp về pháp luật...) cần thiết cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở (như hòa giải viên, cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận, đoàn thể trực tiếp tham gia hòa giải...).
- Định kỳ tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể như sau:
Về nội dung bồi dưỡng, tập huấn:
Nội dung bồi dưỡng cho hòa giải viên thường bao gồm các nội dung sau:
+ Đường lối, chính sách của Đảng;
+ Pháp luật của Nhà nước, nhất là những kiến thức pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân ở cơ sở, thường được vận dụng trong hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng;
+ Kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Bên cạnh việc bồi dưỡng những nội dung trên, cần chú ý đến việc động viên, khuyến khích các hòa giải viên tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm để thực sự trở thành những tấm gương trong việc thực hiện pháp luật góp phần xây dựng và phát triển hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Ngoài ra, cần chú ý hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phối hợp, điều hành công việc dành cho các Tổ trưởng Tổ hoà giải nhằm giúp họ thực hiện tốt việc phối hợp, điều hành các hòa giải viên trong tổ hòa giải có hiệu quả hơn.
Về hình thức bồi dưỡng, tập huấn:
Việc bồi dưỡng cho các hòa giải viên được thực hiện thông qua các hình thức như: mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, tổ chức thi Hòa giải viên giỏi, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao kỹ năng và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.  
Việc chuẩn bị một lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên bao gồm các bước sau:
 Bước 1: Xác định cụ thể đối tượng của các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm tìm hiểu các thông tin về đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn (gọi tắt là học viên) như: số lượng; đặc điểm về giới tính, dân tộc, độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời gian tham gia công tác hòa giải; mức độ hiểu biết về pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải như thế nào...
Việc xác định rõ đối tượng học viên tạo điều kiện cho người thực hiện việc tập huấn (gọi tắt là tập huấn viên) chuẩn bị các tài liệu, phương pháp làm việc thích hợp.
Bước 2: Đánh giá nhu cầu của học viên
Để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn hiệu quả, cần tìm hiểu xem học viên cần gì từ khóa bồi dưỡng, tập huấn. Việc đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của các học viên cho phép xác định được mục tiêu của khóa bồi dưỡng, tập huấn nhờ vào việc xác định khoảng cách giữa kiến thức, kinh nghiệm các học viên đang có với những gì học viên cần có.
 Bước 3: Xác định mục tiêu, yêu cầu của từng lớp bồi dưỡng
Mục tiêu chung của các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên là quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, mỗi một lớp bồi dưỡng, tập huấn lại có những mục tiêu cụ thể khác nhau. Các mục tiêu của lớp bồi dưỡng, tập huấn được xác định trên cơ sở đặc điểm của đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn, kết quả khảo sát nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của các học viên.
Việc xác định rõ mục tiêu của lớp bồi dưỡng, tập huấn sẽ tạo cơ sở để:
+ Hướng tập huấn viên và học viên hoàn thành các kết quả dự kiến của lớp bồi dưỡng, tập huấn;
+ Lựa chọn tài liệu và phương pháp bồi dưỡng, tập huấn hợp lý;
+ Đánh giá mức độ thành công của lớp bồi dưỡng, tập huấn.
Yêu cầu đặt ra đối với từng lớp bồi dưỡng, tập huấn là: nội dung ngắn gọn, thiết thực, đơn giản, dễ hiểu, thời lượng hợp lý, sát với đối tượng người nghe, phương pháp truyền đạt hấp dẫn, sinh động, có sự thu hút, lôi cuốn, phát huy sáng tạo của người nghe. Tránh tình trạng lý thuyết hoá các vấn đề làm cho người nghe khó tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đầy đủ.
Bước 4: Xác định nội dung, chương trình bồi dưỡng trên cơ sở nhu cầu của học viên và hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên, chuẩn bị tài liệu bồi dưỡng
Việc xác định nội dung, chương trình từng lớp bồi dưỡng cần bám sát mục tiêu, nhu cầu của đối tượng được bồi dưỡng, tập huấn. Trên cơ sở Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành (Quyết định số 4077/QĐ-BTP), Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, sự hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên, cần cụ thể hoá từng nội dung cho phù hợp đối tượng cụ thể và điều kiện thực tế của địa phương mình. Đối với bài tập tình huống, cần lựa chọn những bài tập liên quan nhiều đến công việc hòa giải ở cơ sở, cách giải quyết cần mang tính bắt tay chỉ việc.
Chuẩn bị tài liệu cho lớp bồi dưỡng là một trong những nội dung cơ bản, quyết định đến chất lượng của lớp bồi dưỡng. Tập huấn viênchịu trách chuẩn bị đầy đủ tài liệu để cung cấp cho những người được bồi dưỡng, tập huấn; để họ có thể kết hợp vừa nghe giới thiệu trực tiếp với nghiên cứu tài liệu, chủ động tham gia thảo luận, chia sẻ sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình.
Bước 5: Lựa chọn tập huấn viên
Các lớp bồi dưỡng, tập huấn nên được thực hiện bởi một nhóm tập huấn viên là các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác hòa giải ở địa phương, có khả năng sư phạm, diễn đạt truyền cảm, súc tích, dễ hiểu. Sự có mặt của từ hai chuyên gia trở lên sẽ làm cho lớp bồi dưỡng sinh động, hiệu quả hơn. 
Bước 6: Xây dựng chương trình làm việc của khóa bồi dưỡng, tập huấn
Chương trình bồi dưỡng, tập huấn bao gồm chương trình làm việc của tập huấn viên và chương trình làm việc của học viên và các hoạt động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của lớp bồi dưỡng, tập huấn. Các chương trình làm việc này phải rất cụ thể.
Chương trình làm việc của học viên cần xác định rõ thời gian, nội dung tập huấn, người thực hiện. Ví dụ: Chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải huyện X, tỉnh H với thời gian tập huấn là 1/2 ngày.

Thời gian Nội dung Người thực hiện
8h - 8h15 Giới thiệu Đại diện Ban tổ chức
8h15 - 9h45 Giới thiệu một số quy định của pháp luật dân sự thường được vận dụng trong hòa giải ở cơ sở Ông Nguyễn Văn A-Trưởng phòng Phòng Tư pháp huyện X, tỉnh H
9h45 - 10h Giải lao  
10h - 11h30 Giải quyết bài tập tình huống Ông Nguyễn Văn A-Trưởng phòngPhòng Tư pháp huyện X, tỉnh H và hòa giải huyện X, tỉnh H

Chương trình làm việc của tập huấn viên cần xác định rõ thời gian, nội dung, phương pháp, mục đích. Ví dụ: Chương trình làm việc của tập huấn viên đối với chương trình tập huấn nêu trên:

Thời gian Nội dung Phương pháp Mục đích
8h15-8h30 Mở đầu Trao đổi miệng - Tạo không khí thân thiện, giúp các học viên làm quen với nhau
- Kích thích sự tò mò và quan tâm của học viên
- Tạo điều kiện cho các học viên có suy nghĩ ban đầu về các quy định của Bộ luật dân sự thường được vận dụng trong hòa giải ở cơ sở
8h30- 8h45 Giới thiệu về mục tiêu và phương pháp của buổi tập huấn Trình bày miệng, đặt câu hỏi - Làm rõ mục tiêu của buổi tập huấn
- Trao đổi về vai trò của tập huấn viên và các học viên được tập huấn trong phương pháp tập huấn cùng tham gia
8h45- 9h45 Giới thiệu về một số quy định của pháp luật về dân sựthường được vận dụng trong hòa giải ở cơ sở Trình bày miệng, đặt câu hỏi, sử dụng bảng, đèn chiếu - Giúp các hòa giải viên trao đổi, thảo luận để hệ thống, hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật dân sự thường được vận dụng trong hòa giải

Bước 7: Quản lý lớp bồi dưỡng
- Việc theo dõi, quản lý lớp bồi dưỡng được tiến hành kể từ khi có quyết định mở lớp. Công việc đầu tiên của việc quản lý lớp đó là việc mời các đối tượng tham gia tập huấn. Việc gửi giấy mời cần nêu rõ đối tượng, nội dung, thời gian tổ chức và các nội dung cụ thể khác để các Tổ hoà giải cử người tham dự cho phù hợp. Giấy mời cần được gửi trước một thời gian nhất định để các học viên sắp xếp công việc và chuẩn bị tham gia, tránh các trường hợp gửi giấy quá gấp về thời gian, không cụ thể về nội dung, chương trình.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: hội trường (bao gồm makét, thiết bị âm thanh, ánh sáng, nước uống...), tài liệu, chế độ ăn, nghỉ, đi lại của các học viên tham dự lớp bồi dưỡng...
- Theo dõi, nắm tình hình diễn biến của lớp bồi dưỡng, bảo đảm để lớp bồi dưỡng thực hiện đúng các mục tiêu, nội dung, chương trình đặt ra, xử lý các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức lớp…
- Lấy ý kiến các tập huấn viên, học viên đánh giá kết quả bồi dưỡng, tập huấn và tổng kết, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức các lớp bồi dưỡng sau được hiệu quả hơn.
Cuối khóa bồi dưỡng, tập huấn, Ban tổ chức có thể trao cho các học viên Giấy chứng nhận đã tham dự khóa bồi dưỡng, tập huấn.
4. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở
4.1. Hoạt động tự kiểm tra tại cấp xã
Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cần tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên và tổ trưởng Tổ hòa giải để nắm tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các tổ hoà giải và hoà giải viên; đề xuất với cơ quan Tư pháp cấp trên các biện pháp giải quyết.
- Nội dung kiểm tra:
Kiểm tra tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở. Việc kiểm tra thường xuyên giúp cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã nắm được tình hình, kết quả tổ chức, hoạt động của các tổ hoà giải và hòa giải viên, kịp thời động viên, khuyến khích tổ chức, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, bất cập trong thực tiễn hoạt động hoà giải ở cơ sở. Trong quá trình kiểm tra, cần khơi gợi, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các hòa giải viên và nhân dân ở địa phương về công tác hoà giải ở cơ sở, từ đó rút kinh nghiệm, bảo đảm cho sự chỉ đạo, hướng dẫn công tác được sát hợp.
- Hình thức kiểm tra:
Việc kiểm tra có thể tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, như: kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra thông qua chế độ báo cáo, thống kê của các Tổ hoà giải.
4.2. Kiểm tra của cơ quan trung ương và địa phương
a) Kiểm tra của cơ quan trung ương
Để nắm bắt thông tin, đánh giá kết quả thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở; phát hiện những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở để hướng dẫn tháo gỡ kịp thời, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và phục vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Bộ Tư pháp đều chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra trực tiếp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lựa chọn.
b) Kiểm tra của địa phương
Căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm tra theo các kế hoạch kiểm tra hàng năm do Bộ Tư pháp ban hành, Sở Tư pháp chủ động tham mưu Ủy ban nhân nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức tự kiểm tra tình hình thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
 
5. Thống kê về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở
Việc thống kê về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa  giải ở cơ sở được thực hiện theo Biểu mẫu thống nhất ban hành kèm theo Thông  04/2016/TT-BTPngày ngày 3 tháng 3 năm 2016của Bộ Tư phápQuy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp. Theo đó, các Biểu mẫu thống kê công tác hoà giải gồm: Biểu mẫu Thống kê 11 d về Tình hình tổ chức, cán bộ của tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, Biểu mẫu Thống kê 12a về Kết quả hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở. Biểu mẫu 11d được thực hiện trong báo cáo năm; Biểu mẫu 12 được thực hiện trong báo cáo 06 tháng và báo cáo năm.
Bên cạnh đó, việc thống kê công tác hòa giải ở cơ sở còn được thực hiện thông qua Mẫu Sổ theo dõi kết quả hòa giải của tổ hòa  giải ở cơ sở. Việc ghi chép Sổ này được thực hiện ở tổ hòa giải.
Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức in và phát hành các loại Biểu mẫu thống kê công tác hòa giải theo đúng nội dung và hình thức quy định.
Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có trách nhiệm trực tiếp thống kê về tổ chức và hoạt động hòa giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.Việc hướng dẫn các Tổ hòa giải thống kê công tác hòa giải theo Biểu mẫu sẽ giúp cho việc theo dõi, thu thập, tổng hợp, thống kê số liệu được thống nhất, thuận lợi trong phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.
6. Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải
Việc sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước định kỳ nắm được tình hình, kết quả của công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn, thấy rõ được ưu điểm, nhược điểm trong công tác hòa giải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, để từ đó có biện pháp khắc phục thích hợp. Đặc biệt, sơ kết, tổng kết còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải giữa các hòa giải viên. Việc sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở cần đi vào thực chất, tránh hình thức, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực.
Việc tổ chức sơ kết, tổng kết được tiến hành định kỳ, tuỳ theo tình hình cụ thể của địa phương và có thể tiến hành theo hình thức hội nghị, giao ban chuyên đề hoặc tổ chức lồng ghép trong sơ kết, tổng kết công tác tư pháp ở địa phương.
Để việc sơ kết, tổng kết đạt được kết quả thiết thực, công chức tư pháp các cấp cần tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận chuẩn bị kỹ nội dung và kinh phí phục vụ cho hoạt động sơ kết, tổng kết.
7. Tổ chức thi đua, khen thưởng trong công tác hòa giải ở cơ sở
Thực hiện khen thưởng trong công tác hoà giải ở cơ sở là hình thức động viên, khuyến khích các Tổ hoà giải và hòa giải viên tham gia tích cực vào công tác hoà giải. Vì đối tượng tham gia hoà giải ở cơ sở là những người tự nguyện, không vì lợi ích kinh tế, họ thường là những người đang công tác ở cơ sở hoặc những người đã cao tuổi, về nghỉ hưu; giá trị tinh thần đối với họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó, công tác thi đua, khen thưởng cần lưu ý đặc biệt đến điểm này. Việc phát động phong trào thi đua có thể gắn với từng chủ đề hoặc gắn với hội thi hoà giải viên giỏi. Việc khen thưởng cần phải công bằng, kịp thời, đúng đối tượng. Kết hợp hài hoà giữa việc thưởng về vật chất, khen về tinh thần để khuyến khích người được khen thưởng và người chưa được khen thưởng. Cần tránh việc khen thưởng hình thức, qua loa, không công bằng, không đúng đối tượng,… làm mất đi ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng.
Để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, cán bộ Tư pháp phải bám sát thực tế, theo dõi, nắm rõ tình hình tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải và các hòa giải viên để có hình thức khen thưởng thích hợp (khen thưởng định kỳ, khen thưởng đột xuất); đồng thời, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan Tư pháp cấp trên, cần cụ thể hoá những điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở địa phương.
Tại cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm phối hợp với Ban công tác Mặt trận lập danh sách người được khen thưởng trên cơ sở bình xét trong các Tổ hòa giải, giới thiệu các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khen thưởng hoặc trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên khen thưởng.
8. Lập dự toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hoà giải ở cơ sở
Kinh phí chi cho các hoạt động hoà giải ở cơ sở hiện được quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP ngày 31/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư phápQuy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách ở địa phương, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có trách nhiệm lập dự toán kinh phí dành cho công tác hoà giải ở cơ sở, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cùng với dự toán chi thường xuyên của đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao dự toán ngân sách hàng năm cho đơn vị.
Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP ngày 31/7/2014 không quy định cụ thể các nội dung chi cho công tác hòa giải ở cơ sởbao gồm:
1. Chi cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
a) Chi hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình, Đề án về hòa giải ở cơ sở để tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, các cuộc họp; mua văn phòng phẩm và biên soạn tài liệu phục vụ các hoạt động của Ban chỉ đạo; tổ chức hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng;
b) Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về hoạt động hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm: Xây dựng chương trình, chuyên mục, thực hiện truyền thông trên báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình, tập san, bản tin, thông tin lưu động, triển lãm chuyên đề, làm bảng thông tin và hộp tin; thực hiện thông tin, truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (bao gồm. biên soạn tin, bài phục vụ việc phát thanh; thù lao cho phát thanh viên);
c) Chi biên soạn, biên dịch, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
- Biên soạn, in, phát hành hoặc đăng tải trên website, trang tin điện tử các loại sách, tài liệu pháp luật, tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở;
- Biên soạn, in, phát hành hoặc đáng tải trên website, trang tin điện tử các sách pháp luật phổ thông, tình huống giải đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, câu chuyện pháp luật, tiểu phẩm pháp luật và các tài liệu khác phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở;
- Biên dịch tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở bằng tiếng dân tộc thiểu số;
- Biên dịch tài liệu liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
d) Chi tổ chức cuộc thi về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở;
đ) Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên. Đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có cấp chứng chỉ, có thêm mục chi cho việc biên soạn đề thi, đáp án, chấm thi và in ấn chứng chỉ;
e) Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở; chi tổ chức các cuộc họp triển khai Chương trình, Đề án, Kế hoạch công tác hòa giải ở cơ sở;
g) Chi tạo lập thông tin điện tử phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở;
h) Chi rà soát, thống kê, hệ thống hóa các văn bản, tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở;
i) Chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu về tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ của cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên; thực hiện tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; khảo sát mô hình tổ chức và kinh nghiệm hoạt động hòa giải ở cơ sở ở trong nước và nước ngoài;
k) Chi kiểm tra, sơ kết, tổng kết về công tác hòa giải ở cơ sở và các Chương trình, Đề án, Kế hoạch liên quan;
l) Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
m) Chi mua, thuê trang thiết bị, tài sản và một số khoản chi mua, thuê khác phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở;
n) Đối với các Chương trình, Đề án, Kế hoạch thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã được phê duyệt, ngoài việc thực hiện theo các nội dung chi quy định tại Điểm a đến Điểm m Khoản 1 Điều này, được chi một số nội dung quản lý, giám sát, đánh giá Chương trình, Đề án, Kế hoạch thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở các cấp như sau:
- Chi xây dựng đề cương; xây dựng, hoàn thiện; xét duyệt, thẩm định Chương trình, Đề án, Kế hoạch;
- Chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ; văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động của Chương trình, Đề án, Kế hoạch;
- Chi xây dựng các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Chương trình, Đề án, Kế hoạch; chỉ giám sát, đánh giá theo định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ các Chương trình, Đề án, Kế hoạch; chi nghiệm thu các sản phẩm của Chương trình, Đề án, Kế hoạch;
- Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, Đề án, Kế hoạch.
o) Chi tổ chức bầu hòa giải viên:
- Chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu phục vụ việc bầu hòa giải viên;
- Chi nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên;
- Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên.
2. Nội dung chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải, bao gồm:
a) Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc;
b) Chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải;
c) Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải gồm: chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải.
3. Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác hòa giải ở cơ sở (nếu có).
4. Chi thực hiện các dự án từ nguồn tài trợ của nước ngoài căn cứ vào văn bản hợp tác quốc tế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về nội dung chi và mức chi thì có thể vận dụng các quy định tại Thông tư Liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP vềtrách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, công chức tư pháp các cấp cần tham mưu cụ thể trong việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước.
Thực tế hiện nay cho thấy, do ngân sách còn hạn chế hoặc do chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở, nên mặc dù Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP, 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành văn bản quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương nhưng nhiều địa phương vẫn chưa bố trí được kinh phí phục vụ công tác hoà giải. Do đó, để có kinh phí dành cho công tác hoà giải ở cơ sở đòi hỏi cán bộ tư pháp các cấp phải chủ động trong việc lập dự toán và tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.      

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây