Hoạt động của doanh nghiệp nói chung gắn liền với thị trường và chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh, vì vậy, vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường ngày càng hết sức quan trọng.
Chuyên viên pháp chế là người đại diện của doanh nghiệp đó về mặt pháp luật và giúp nơi này hoàn thiện những thủ tục giấy tờ khác có liên quan đến pháp luật. Đôi khi, Chuyên viên pháp lý còn thay mặt Luật sư chuẩn bị những thủ tục có liên quan để tiến hành các hoạt động tố tụng khi xảy ra tranh chấp.
Hiện nay, Việt Nam đang mở cửa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, các hoạt động giao lưu và kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp không còn chỉ dừng lại ở trong nội bộ địa phương, trong nước mà đã mở rộng ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Theo đó, luôn tiềm ẩm các rủi ro pháp lý nhất là pháp luật và thông lệ quốc tế. Giải pháp phòng ngừa, hạn chế các thiệt hại xảy ra trong giao kết, tranh chấp các giao dịch dân sự, kinh tế và các giao dịch khác là cần thiết.
Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng về kiến thức pháp luật. Khả năng tiếp cận thông tin thị trường và các văn bản pháp luật liên quan còn nhiều hạn chế. Một số lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng kinh nghiệm, chưa am hiểu hết các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật các nước đối tác và pháp luật quốc tế chung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những rủi ro pháp lý là điều khó tránh xảy ra.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi bằng Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế đất nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản luật, bộ luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để phù hợp với nội dung, nguyên tắc và tinh thần của Hiến pháp 2013 và sự phát triển của nền kinh tế cũng như các cam kết quốc tế.
Để phòng, chống những rủi ro pháp lý và giúp lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật để vận dụng những chính sách đó vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các sở, ban, ngành, các trợ giúp viên, luật sư, cộng tác viên pháp luật, các doanh nghiệp cần có bộ phận “gác cổng”, bảo vệ tham mưu, tư vấn, giúp lãnh đạo doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đó chính là bộ phận pháp chế.
Khi vướng vào rủi ro pháp lý dù ít hay nhiều cũng gây cho doanh nghiệp nhiều thiệt hại và bất lợi: thiệt hại đầu tiên là tiền bạc; để giải quyết rủi ro đó, doanh nghiệp không có kiến thức pháp luật phải tìm đến những đối tượng có thể giúp họ tìm phương án giải quyết tốt nhất có thể và chi phí về tiền bạc cho việc đó là không phải nhỏ. Bên cạnh đó, thời gian, công sức để giải quyết khiến họ mệt mỏi, không tập trung được công việc… và một tổn thất lớn không tính được bằng tiền đó là uy tín, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Bộ phận pháp chế doanh nghiệp sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ như: Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác trong kinh doanh; thẩm định các dự thảo thoả thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư để đảm bảo không trái pháp luật, điều lệ hoặc có sơ hở, sai sót về mặt pháp luật có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp; soạn thảo, thẩm định các dự thảo quy chế, quy định quản lý và các văn bản quan trọng khác của doanh nghiệp theo sự phân công của lãnh đạo; cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, về tình hình thị trường kinh tế thông qua các phương tiện thông tin, các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, và cung cấp thông tin cho lãnh đạo doanh nghiệp về việc vận dụng pháp luật trong điều hành sản xuất, trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong các hợp đồng thương mại, tài chính, tín dụng, dịch vụ, đào tạo, xây dựng...; tư vấn giúp lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động bằng cách đưa ra các dự báo tác động về tình hình giá cả, thị trường... nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra. Trong trường hợp xấu nhất, khi có các tranh chấp xảy ra, bộ phận pháp chế sẽ tham mưu giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, bảo vệ uy tín doanh nghiệp. Thậm chí họ có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp tham gia tranh tụng, giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp cần thiết phải có một tổ chức pháp chế vừa giúp lãnh đạo những vấn đề thuộc phạm vi pháp luật vừa làm đầu mối quan hệ với các tổ chức tư vấn chuyên môn, tư vấn luật để đảm bảo về mặt pháp lý. Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi thành lập ra tổ chức pháp chế là giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn an toàn trong hành lang pháp lý. Các doanh nghiệp khi đã xây dựng được đội ngũ cán bộ pháp chế vững mạnh thì những cuộc đàm phán với đối tác mà đặc biệt là đối tác nước ngoài, vị thế của doanh nghiệp được nâng lên. Điều này thể hiện sự hiểu biết pháp luật và khẳng định “tầm” là một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, minh bạch luôn tuân thủ pháp luật rất đáng tin cậy trong cơ chế thị trường, tạo hình ảnh tốt cho các đối tác khi liên kết hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn