Quy định này đã thể hiện xuyên suốt nguyên tắc một quốc tịch của nước ta, tuy nhiên để phù hợp với xu thế hội nhập, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 "mềm dẻo" hóa nguyên tắc một quốc tịch bằng các quy định có tính ngoại trừ đối với các trường hợp ngoại lệ có thể có hai quốc tịch, như: trường hợp được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 3, Điều 19), được trở lại quốc tịch Việt Nam (khoản 5, Điều 23), trẻ em Việt Nam là con nuôi người nước ngoài (Điều 37), người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 2, Điều 13).
Nguyên tắc một quốc tịch "mềm dẻo" trên cùng với việc nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch (căn cứ vào pháp luật riêng của từng nước, có nước không bắt buộc công dân Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch gốc) nên việc công dân Việt Nam có 2 quốc tịch và sử dụng đồng thời 2 hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật. Điều này đang dẫn đến thực tế là một bộ phận công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài mà hệ quả là việc sử dụng quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài lại phụ thuộc chủ yếu vào ý chí lựa chọn của công dân. Ví dụ như: Pháp luật hộ tịch quy định "Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài" do vậy, để không phải làm thủ tục ghi chú ly hôn, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ sử dụng hộ chiếu, giấy tờ do cơ quan của nước ngoài cấp để làm thủ tục kết hôn mà không sử dụng giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trong khi đó, khi làm những thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất thì những người này lại sử dụng giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Thực trạng này dẫn đến những khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền của nước ta trong xử lý những vụ việc liên quan đến người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài trong thời gian qua. Do vậy, Điều 5 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 (có hiệu lực từ ngày 20/3/2020) thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch đã quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Với quy định này sẽ khắc phục dần tình trạng tùy ý sử dụng quốc tịch, nhất là đối với những trường hợp vì vụ lợi cá nhân, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thời gian qua. Để triển khai thực hiện quy định này có hiệu quả, thiết nghĩ trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn