Hải Phòng: Công dân kiện Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của huyện

Thứ năm - 29/10/2020 04:54
Không có Quyết định cưỡng chế, không có Quyết định thu hồi nhưng phía UBND huyện vẫn tiến hành cưỡng chế có đúng pháp luật?

Căn cứ nào để UBND huyện cưỡng chế nhà, đất?

Ngày 22/10/2020, TAND TP Hải Phòng xét xử vụ án hành chính giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Anh là người khởi kiện, người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Thủy nguyên, đối tượng khởi kiện là Quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 5290/QĐ - CT ngày 02/10/2018 và Quyết định thu hồi đất số 4858/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 của UBND huyện Thủy Nguyên.

1

Quyết định cưỡng chế Thu hồi đất của UBND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng

Tại phiên tòa, Luật sư Hà Huy Sơn, đoàn LS Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bà Ngọc Anh, đưa ra căn cứ pháp lý về thửa đất mà bà Ngọc Anh mua tại thôn Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên Hải Phòng là thửa đất có xác nhận của Chính quyền địa phương, có giấy chuyển nhượng, không có tranh chấp, đang sống ổn định tính tới thời điểm Dự án thu hồi đất và hàng năm đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Phía UBND huyện Thủy Nguyên đưa ra 03 sai phạm của bà Ngọc Anh, đó là sai phạm về hành lang giao thông, hai là hành lang bảo về đê, ba là nền đất chợ.

LS Sơn đáp trả: “Về nguồn gốc đất của bà Ngọc Anh được chủ cũ sử dụng từ 1990, sau đó bán cho 3 chủ, tiếp đến bán cho bà Ngọc Anh và bà Kim Thu sử dụng từ đó đến nay, các chủ quản lý sử dụng thửa đất trên không vi phạm mốc chỉ giới hành lang giao thông đường quốc lộ 10 cũ (nay là đường tỉnh lộ 359B) và chỉ giới hành lang bảo vệ đê cũng như chỉ giới dự án Chợ.

Bằng chứng là, các chủ quản lý đất chưa bao giờ bị Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính hoặc quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”.

Sau khi tranh tụng, đại diện cho UBND huyện Thủy Nguyên là ông Thân, cán bộ phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thủy Nguyên phải rút lại hai sai phạm (Hành lang giao thông và nền đất chợ).

Về chỉ giới hành lang bảo vệ đê, LS Sơn lập luận: “Đối chiếu với Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 01/07/2020, của TAND TP Hải Phòng thì thửa đất số 64 của gia đình bà Ngọc Anh nằm trong khu dân cư và nằm ngoài hành lang bảo vệ đê”. Như vậy, căn cứ nào để UBND huyện nêu gia đình bà Ngọc Anh vi phạm về hành lang bảo vệ đê?”- LS Sơn đặt câu hỏi.

Nói về vi phạm hành lang đê, LS Nguyễn Đình Lục (đoàn LS Hà Nội) phân tích: "Hiện nay không có con đê nào liên quan tới thửa đất số 64 của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh. Việc UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng có con đê thì chỉ là con đê không có thật. Theo lập luận của UBND huyện Thủy Nguyên thì nhà bà Nguyễn Thị Ngọc Anh chồng lấn lên hành lang đê, rồi đường và chợ. Như vậy, đê chồng lấn lên đường, đường chồng lấn lên chợ, vậy bản chất quy hoạch Thủy Nguyên là gì?"- LS Lục đặt câu hỏi.

"Nếu như Dự án khu đô thị mới Bắc Sông Cấm (giai đoạn 1) này được tiến hành thì Dự án này lại chồng lên đê, chồng lên chợ, chồng  lên đường?"- LS Lục đưa ra những điểm bất cập, phi lý của đại diện Lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng gia đình bà Ngọc Anh có sai phạm.

LS Nguyễn Đình Lục, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Trước đó và tại phiên xét xử, người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện không chứng minh được hành vi vi phạm luật đất đai của bà Ngọc Anh trong thời gian sử dụng đất, như xử phạt hành chính về hành vi vi phạm đất đai, cũng không đưa ra bất cứ văn bản nào chứng minh bà Ngọc Anh có sai phạm về đất đai. Tại phần hỏi đáp, bên khởi kiện đưa ra câu hỏi đối với UBND là, việc cưỡng chế nhà đối với gia đình bà Ngọc Anh trong khi gia đình bà không có nhà; đưa thông báo cưỡng chế từ chiều hôm trước, sáng hôm sau tổ chức cưỡng chế luôn, chưa có quyết định cưỡng chế đã cưỡng chế...

Đặc biệt, trong đó có 115,3m2 chưa có Quyết định thu hồi đất, chưa có phương án đền bù, chưa có tái định cư nhưng chính quyền cưỡng chế luôn ngoài ranh giới thu hồi đất, có đúng luật hay không?. Phía UBND huyện Thủy Nguyên không có câu trả lời.

Luật sư Nguyễn Đình Lục đưa ra căn cứ pháp lý về vụ kiện như sau: “Không có Quyết định cưỡng chế, không có Quyết định thu hồi nhưng phía UBND huyện vẫn tiến hành cưỡng chế như vậy có đúng pháp luật? Phía UBND huyện không đưa ra câu trả lời hoặc trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi.

Sau một hồi phân tích, LS Nguyễn Mạnh Hà, người bảo vệ quyền lợi cho UBND huyện Thủy Nguyên trả lời là... UBND huyện làm là đúng luật?. Tình tiết này đã được các LS đề nghị thư ký tòa ghi vào biên bản.

UBND huyện chỉ hỗ trợ mà không bồi thường có đúng luật?

Đại diện viện kiểm sát nêu, việc bà Ngọc Anh xây nhà không có giấy phép do đó, UBND chỉ hỗ trợ gia đình bà 10% giá trị tài sản trên đất và 50% đối với đất ở.

LS Sơn đáp lại: “Ngôi nhà 3 tầng của gia đình bà Ngọc Anh thuộc “điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt;”, trong khi gia đình bà xây dựng năm 2012 trước thời điểm Thông báo số 274/TB-UBND ngày 17/11/2016 của UBND huyện Thủy Nguyên. Nguồn gốc đất ở của bà Ngọc Anh là đất hợp pháp, như đã phân tích ở trên. Vì vậy, khi thu hồi đất phải được bồi thường 100% giá trị tài sản..”- LS Sơn nhấn mạnh.

Do phiên tòa phức tạp, kéo dài 2 ngày, HĐXX nghị án tới ngày 27/10 sẽ đưa ra phán quyết. Pháp luật plus sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc.

Trước đó, Pháp luật Plus đưa tin về đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Thơm và công dân cùng trú tại thôn Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, về việc, đề nghị công bố kết luận nội dung đơn tố cáo lần 2 của công dân.

Trong đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo, Giao Thanh tra Chính phủ rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân thôn Bính B, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Công Lý- Ly Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây