Vi bằng của Thừa phát lại không chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất

Thứ sáu - 13/12/2024 22:51
Thực tế hiện nay, không ít người nhầm lẫn Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị như Văn bản công chứng hoặc nhầm tưởng Vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay thế Văn bản công chứng. Có một số trường hợp lập Vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay) dẫn đến phát sinh tranh chấp. Hay như xảy ra việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập Vi bằng đã tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua.
251124 Hình minh họa Công chứng & Vi bằng 2
251124 Hình minh họa Công chứng & Vi bằng 2

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về Tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại thì: “Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác”. 

Như vậy, Văn bản công chứng và Vi bằng là hai loại giấy tờ nhưng có giá trị pháp lý khác nhau. Do đó, cần có sự phân biệt giữa Vi bằng và Văn bản công chứng để tránh nhầm lẫn xảy ra tranh chấp.

Sự giống nhau duy nhất giữa Văn bản công chứng (do Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng chứng nhận) và Vi bằng (do Văn phòng Thừa phát lại lập) là khi xảy ra tranh chấp trong việc lập Vi bằng và Văn bản công chứng thì đều do Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (Khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP).

Còn hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác (Điều 5 Luật Công chứng 2014).

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ. Những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu (Khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014).

Như vậy, Vi bằng khác Văn bản công chứng, không thể thay thế Văn bản công chứng trong các quan hệ pháp lý. Vi bằng chỉ là văn bản ghi nhận những sự kiện pháp lý, tình trạng sự việc thiệt hại xảy ra trên thực tế, giá trị của nó sẽ được cơ quan chức năng xem xét.

Trong khi đó văn bản công chứng có giá trị pháp lý cao, chứng nhận sự hợp pháp của giao dịch hợp đồng, là chứng cứ không cần phải chứng minh.

 

So sánh Văn bản công chứng và Vi bằng:

 

VĂN BẢN CÔNG CHỨNG

VI BẰNG

Căn cứ pháp lý

Luật Công chứng 2014

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020

Định nghĩa

Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng 2014.

Khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng 2014

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Khoản 3 Điều 2 NĐ 08/2020

Chủ thể thực hiện

Công chứng viên

(Khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng 2014)

Thừa phát lại

(Khoản 3 Điều 2 NĐ 08/2020)

Nội dung

Công chứng là việc Công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014)

- Vi bằng của Thừa phát lại ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

- Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực.

 

(Khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 39 NĐ 08/2020)

Giá trị pháp lý

1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

(Điều 5 Luật Công chứng 2014)

- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

- Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

(Khoản 2, 3 Điều 36 NĐ 08/2020)

Hệ quả pháp lý

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, từ đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên vô hiệu hoặc các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

(Điều 5 Luật Công chứng 2014)

Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi có thật diễn ra trên thực tế, mà không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Hành vi của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng, tương ứng với những quy định của pháp luật có liên quan mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật và họ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Phạm vi liên quan đến bất động sản

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

(Điều 42 Luật Công chứng 2014)

Thừa phát lại KHÔNG được lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

(Khoản 5 Điều 37 NĐ 08/2020)

Chi phí

Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình.

(Khoản 2 Điều 66 và khoản 2 Điều 67 Luật Công chứng 2014)

Chi phí lập vi bằng do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo nội dung, tính chất công việc thực hiện, bên cạnh đó có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí cấp thêm bản chính, chi phí đi lại; chi phí làm việc theo giờ…

(Điều 38 NĐ 08/2020)

Chế độ lưu trữ

Văn bản công chứng được gửi cho các bên có liên quan và được lưu trữ 01 bản tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

(Điều 64 Luật Công chứng 2014)

Vi bằng được lập thành 03 (ba) bản chính, bao gồm:

+ 01 bản gửi cho người yêu cầu

+ 01 bản được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại

+ 01 bản được gửi Sở Tư pháp để vào sổ đăng ký

(Khoản 3, 4 Điều 39 NĐ 08/2020)

 

 

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH

Trưởng Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh –

Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây