Đặng Văn Dinh[1]
Võ Xuân Cường[2]
1. Quy định của pháp luật về đạo đức hành nghề công chứng
Trước khi có Luật Công chứng, Nhà nước đã ban hành các văn bản để điều chỉnh hoạt động công chứng trong từng giai đoạn, cụ thể: Sắc lệnh 59/SL ngày 15 tháng 11 năm 1945, Thông tư số 574/QLTPK ngày 10 tháng 10 năm 1987, Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991, Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật này chỉ dừng lại quy định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan công chứng, công chứng viên, chưa có văn bản nào quy định hoặc hướng dẫn thực hiện chi tiết về “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”.
Từ khi Luật Công chứng năm 2006 được ban hành, đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”. Theo đó, điều khoản quy định về “nguyên tắc hành nghề”[3] quy định công chứng viên khi hành nghề phải “Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề”[4]. Căn cứ Luật Công chứng năm 2006, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 kèm theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Đến Luật Công chứng năm 2014, việc “tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng” tiếp tục được ghi nhận và là một trong bốn nguyên tắc khi hành nghề của công chứng viên[5].
Hiện nay, tất cả các công chứng viên khi hành nghề, bắt buộc phải “tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề” được quy định tại Luật Công chứng năm 2014 và Thông tư 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012. Đối với các công chứng viên đang hành nghề tại các phòng công chứng, ngoài việc phải thực hiện quy tắc đạo đức tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, còn phải thực hiện những quy định tại Quyết định số: 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ tư pháp về việc ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp và các quy định của Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2. Thực trạng thực hiện đạo đức hành nghề công chứng
Nghề công chứng đã được hình thành và phát triển từ rất lâu. Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.186 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó Văn phòng công chứng là 1.068) và có 2.709 công chứng viên đang hành nghề công chứng[6].
Tổng kết sáu năm thực hiện Luật công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được hơn 24 tỷ việc; chứng thực được gần 39 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng hơn 7 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được khoảng gần 300 triệu đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Số tiền nộp thuế vào ngân sách nhà nước là trên 1.400 tỷ đồng[7].
Nhìn chung, hoạt động công chứng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Đây cũng là bước đi cụ thể thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.
Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển nhanh các tổ chức hành nghề công chứng không tuân theo lộ trình và định hướng. Việc tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn tại các tỉnh, thành phố lớn đã dẫn đến sự phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, để xảy ra những vi phạm pháp luật, trái với quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Có thể nói đến như:
Ngày 26/10/2018, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh một tổ chức hành nghề công chứng tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mở chi nhánh “sai luật” để thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công chứng[8].
Ngày 29/11/2018, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh một công chứng viên ký ngoài trụ sở không đúng quy định bị xử phạt vi phạm hành chính[9].
Ngày 27/01/2019 Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cũng có bài viết “không cấp hai con dấu cho Văn phòng công chứng”, nhằm đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng[10].
Ngày 10/12/2021 Báo Đại Đoàn kết có bài viết: Quảng Ninh cam kết dẹp văn phòng công chứng “chui”[11].
Ngày 14/2/2022 Báo Pháp luật Việt Nam cũng phản ánh tình trạng tại thành phố Hà Nội “Một công chứng viên giả tạo hợp đồng mua bán ô tô”[12].
Ngày 05/4/2022 Báo Thanh niên cũng có bài “Đề nghị điều tra, xử lý vi phạm của một công chứng viên tại Hà Nội”[13].
Ngày 06/6/2022, Hội công chứng viên Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành công văn số 88/HCCV, đề nghị một tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho khách hàng đến ký hợp đồng, giao dịch tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng theo quy định, trước đó tổ chức tín dụng này có chủ trương yêu cầu công chứng viên đến ký các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến ngân hàng tại trụ sở Hội sở, Chi nhánh, Phòng giao dịch.
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm đạo đức hành nghề công chứng và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, giữa các công chứng viên diễn ra ngày càng nhiều. Ngoài một số hành vi vi phạm như đã nêu, thực tế để thu hút khách hàng, một số tổ chức hành nghề công chứng có trình trạng cử công chứng viên trực tiếp đến trụ sở ngân hàng để chứng nhận hợp đồng giao dịch, không thực hiện đúng quy định của pháp luật nói chung và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng nói riêng[14]. Đặc biệt, nhiều tổ chức hành nghề công chứng ký hợp đồng hợp tác với ngân hàng, tổ chức kinh doanh bất động sản để trích hoa hồng, chia lợi nhuận từ phí công chứng. Trên thực tế thực trạng này diễn ra ngày một nhiều, tuy nhiên rất khó bị phát hiện và xử lý.
Những hành vi nêu trên ảnh hướng rất tiêu cực đến hoạt động công chứng, tác động xấu đến sự phát triển của kinh tế và xã hội, làm mất lòng tin của Đảng, Nhà nước và của người dân. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng và giữa các công chứng viên.
Có thể nhận thấy, việc công chứng viên cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng và chưa thực hiện đầy đủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, quy định về “đạo đức hành nghề công chứng” hiện nay còn nhiều hạn chế.
Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 đã thực hiện gần mười năm, đến nay, nghề công chứng đã có nhiều thay đổi (số lượng tổ chức hành nghề, số lượng công chứng viên đều tăng, quan hệ mới phát sinh). Đặc biệt, công chứng Việt Nam đang hướng tới việc công chứng số (công chứng điện tử). Có thể nói, đây là những yếu tố cần sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2014, cũng như hoàn thiện quy định về “đạo đức hành nghề công chứng”.
Bên cạnh đó, quy định hiện nay về “Quy tắc đạo đức hành nghề” còn một số tồn tại, hạn chế, từ đó gây ra nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau, như:
Một là, về quảng cáo nghề công chứng: Theo quy định của “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”, công chứng viên không được “Tiến hành bất kỳ hành vi quảng cáo bản thân và tổ chức hành nghề công chứng của mình dưới mọi hình thức không đúng quy định của pháp luật”[15]. Tuy nhiên, Luật Công chứng chỉ quy định cấm công chứng viên không được “Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình”[16]. Theo cách hiểu này, pháp luật chỉ cấm quảng cáo trên “phương tiện thông tin đại chúng”. Vậy những hình thức quảng cáo khác có vi phạm hay không? Ví dụ như quảng cáo trên các trang mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook… có bị vi phạm quy định của pháp luật hay không?
Hai là, về ký ngoài trụ sở: Theo quy định, một trong những lý do để việc ký ngoài trụ sở được thực hiện là “nếu có lý do chính đáng khác không thể đến tổ chức hành nghề công chứng”[17]. Việc đánh giá “lý do chính đáng” sẽ do công chứng viên quyết định vì chưa có quy định cụ thể. Do đó, để cạnh tranh và thu hút khách hàng, công chứng viên lợi dụng quy định này để thực hiện ký ngoài trụ sở[18].
Thứ hai, quy định về tập sự hành nghề công chứng tại Khoản 4, Điều: 11, Luật Công chứng 2014 như sau: “Người tập sự hành nghề công chứng được hướng dẫn các kỹ năng hành nghề và thực hiện các công việc liên quan đến công chứng do công chứng viên hướng dẫn phân công và chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn về những công việc đó…”. Trong thời gian tập sự tại các tổ chức hành nghề công chứng, người tập sự được hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật, kỹ năng xử lý hồ sơ, văn hóa ứng xử, giao tiếp với khách hàng và thực hiện “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”. Tuy nhiên, trong thực tiễn, rất ít trường hợp người tập sự được hướng dẫn thực hiện “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”.
Thứ ba, đối với việc bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm: Theo điểm e, khoản 2, Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 quy định “công chứng viên phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng”. Tuy nhiên, thực tiễn các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm chủ yếu đề cập đến những nội dung mới của pháp luật, các nội dung chuyên môn, còn ít chuyên đề trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt về “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”.
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Hoạt động công chứng là một trong những lĩnh vực tương đối phức tạp. Hiện nay, hoạt động công chứng đang có xu hướng phát triển ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh). Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng cũng gặp phải nhiều khó khăn. Thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng hiện nay chủ yếu là theo kế hoạch. Hoạt động thanh tra, kiểm tra thông thường được thực hiện qua việc kiểm tra hồ sơ đã được công chứng. Qua việc kiểm tra và đánh giá hồ sơ không thể nào phát hiện được hành vi vi phạm về đạo đức hành nghề công chứng. Thực tế cho thấy các vụ việc vi phạm đạo đức hành nghề công chứng nêu trên hầu hết do người dân phát hiện, phản ánh.
Ngoài ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề công chứng giữa các cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Do đó, để bảo đảm công chứng viên thực hiện tốt Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng cần có các giải pháp đồng bộ.
3. Hoàn thiện quy định về đạo đức hành nghề công chứng
Để giúp nghề công chứng ổn định và phát triển, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật, điều cốt lõi là phải hoàn thiện các quy định về “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng” theo hướng như sau:
Thứ nhất, khắc phục những hạn chế, bất cập quy định về việc ban hành“Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”:
Hiện nay, theo quy định của Luật Công chứng 2014, thì công chứng viên phải tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng[19] và tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng[20]. Theo quy định này, công chứng viên sẽ thực hiện Quy tắc đạo đức do tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên ban hành. Tuy nhiên, các công chứng viên vẫn đang thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng theo Thông tư 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (hướng dẫn thi hành Luật công chứng 2006). Điều này là chưa phù hợp với quy định của Luật Công chứng 2014 cũng như quy định của pháp luật một số nước trên thế giới trên thế giới [21].
Thứ hai, đối với việc tập sự hành nghề công chứng và bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm:
Đối với việc tập sự hành nghề công chứng: cần hoàn thiện hơn nữa quy định về chương trình tập sự hành nghề công chứng, quy định cho các tổ chức hành nghề công chứng khi tiếp nhận người tập sự, phải xây dựng kê hoạch, chương trình tập sự hành nghề công chứng, đảm bảo kiến thức mà người tập sự được hướng dẫn trong thời gian tập sự, trong đó bao gồm cả kiến thức về đạo đức hành nghề công chứng.
Đối với bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm: theo quy định, hàng năm công chứng viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm)[22]. Việc quy định thời gian bồi dưỡng như hiện nay là còn ít, với thời gian 02 ngày không thể trao đổi hết những nội dung: “Kỹ năng hành nghề công chứng; Kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề công chứng; Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng”[23]. Do đó, cần sửa đổi chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm theo hướng tăng thời gian để đảm bảo những nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng và giám sát việc thực hiện “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”, cụ thể:
Một là, hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng theo hướng quy định cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra; phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đa dạng, phong phú để đảm bảo chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Hai là, hoàn thiện quy định trách nhiệm trong hoạt động giám sát việc thực hiện “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng” của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan đến thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng,đồng thời khen thưởng những hội viên có những đóng góp trong việc phát triển nghề cũng như thực hiện tốt Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Ba là, hoàn thiện quy định về trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề công chứng giữa các cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Dựa vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công chứng phải xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện nhiệm vụ của mình, để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có hiệu quả.
Kết luận: Nghề công chứng ổn định, phát triển sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội; tạo được môi trường công chứng cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động công chứng. Kiến thức pháp luật là điều kiện “cần”, đạo đức hành nghề là điều kiện “đủ” để công chứng viên thực hiện nhiệm vụ của của mình. Vì vậy, để bảo đảm công chứng viên thực hiện tốt quy định về đạo đức hành nghề công chứng, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây là điều cần thiết nhằm thiết lập sự ổn định, hướng đến môi trường hành nghề công chứng lành mạnh, phát triển./.
[1] Công chứng viên, Phòng Công chứng số 01, Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Thạc sỹ, Trưởng Bộ môn Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác thuộc Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học Viện Tư Pháp.
[3] Điều 3 Luật Công chứng 2006.
[4] Khoản 4 Điều 3 Luật Công chứng 2006.
[5] Khoản 3, Điều 4, Luật Công chứng năm 2014.
[6] Nghị quyết 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ.
[7] https://baochinhphu.vn/nhung-gam-mau-sang-toi-trong-hoat-dong-cong-chung-102299379.htm.
[8] https://plo.vn/mot-van-phong-cong-chung-mo-chi-nhanh-sai-luat-post502032.html.
[9] https://plo.vn/cong-chung-ngoai-tru-so-van-phong-cong-chung-bi-phat-15-trieu-post506062.html.
[10] https://plo.vn/khong-cap-2-con-dau-cho-van-phong-cong-chung-post512530.html.
[11] http://daidoanket.vn/quang-ninh-cam-ket-dep-van-phong-cong-chung-chui-5674817.html.
[12] https://www.phapluatplus.vn/van-phong-cong-chung-tag59797/
[13] https://thanhnien.vn/de-nghi-dieu-tra-xu-ly-vi-pham-cua-mot-cong-chung-vien-tai-ha-noi-post1445626.html.
[14] Điều 44, Luật Công Chứng 2014.
[15] Khoản 4 Điều 12 Thông tư 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012.
[16] Điểm h, Khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng 2014.
[17] Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014.
[18] https://plo.vn/cong-chung-ngoai-tru-so-van-phong-cong-chung-bi-phat-15-trieu-post506062.html.
[19] Điểm a, khoản 2, Điều 17, Luật Công chứng 2014.
[20] Khoản 1, Điều 39, Luật Công chứng 2014.
[21] Giáo trình nghiệp vụ công chứng – Nxb Thống Kê năm 2003, trang 743.
[22] Khoản 1, Điều 14, thông tư 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021.
[23] Điều 14, thông tư 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn