THỰC TRẠNG VỀ “GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT” VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

Thứ năm - 10/10/2024 23:44
Tóm tắt: Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần có vốn để duy trì hoạt động và phát triển doanh nghiệp. Và góp vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức. Thiết nghĩ, các quy định của pháp luật về góp vốn càng hoàn thiện sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia góp vốn.

 

Hiện nay, nội dung “góp vốn” được nhiều văn bản pháp luật được điều chỉnh. Trong đó, các quy định của pháp luật đất đai cũng góp phần làm phong phú nội dung này. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều quy định mới về góp vốn, cụ thể là “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, những quy định về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” trong Luật Đất đai khi áp dụng trong thực tiễn còn một số bất cập và chưa có sự thống nhất với pháp luật có liên quan. Do đó, bài viết nghiên cứu và phân tích quy định Luật Đất đai về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Trên cơ sở đánh giá thực trạng áp dụng quy định của pháp luật về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện nhằm tạo sự thống nhất trong quy định về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

  1. Quy định của pháp luật về “góp vốn” và “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”

          Nội dung góp vốn đã xuất hiện rất sớm trong hệ thống các văn bản pháp luật. Theo thời gian, song hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các quy định về góp vốn có nhiều sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

          Tại Bộ luật Dân sự 2005, khái niệm, định nghĩa “góp vốn” không được quy định cụ thể mà nội dung “góp vốn” được thể hiện trong một số điều khoản như “sở hữu tập thể[1] và “sở hữu hỗn hợp[2]. Bộ Luật dân sự 2005 dành một điều khoản quy định về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, theo đó “Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất (sau đây gọi là bên góp vốn) góp phần vốn của mình bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai[3]. Đến Bộ luật Dân sự 2015, nội dung góp vốn” tiếp tục được thể hiện trong điều khoản quy định về “sở hữu hỗn hợp[4]; đồng thời, không còn quy định về hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thay vào đó là quy định về “góp tài sản”. Cụ thể, “góp tài sản” được hiểu là sự thỏa thuận dựa trên hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm[5]. Việc cùng nhau đóng “góp tài sản” theo quy định này được hiểu sẽ không chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản được góp. Đối chiếu với các quy định tại các văn bản pháp luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư …, “góp vốn” còn được hiểu có sự chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản được góp từ bên góp vốn sang bên nhận góp vốn.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập[6]. Trường hợp tổ chức, cá nhân “góp vốn” để thành lập doanh nghiệp hay “góp vốn” tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp thì bắt buộc phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho doanh nghiệp[7]. Hay tại Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định “Góp vốn là việc thành viên góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ khi thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc để bổ sung vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được thành lập hoặc để tạo thành tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác[8]. Luật Hợp tác xã tách biệt hai hình thức góp vốn, một là: “góp vốn” cũng để tạo thành vốn điều lệ khi thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc để bổ sung vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được thành lập, trường hợp này chủ thể tham gia góp vốn sẽ phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản sang cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hai là: góp vốn để tạo thành tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác”, đối với trường hợp này sẽ không chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản. Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, cá nhân, tổ chức được đầu tư theo các hình thức đầu tư sau đây: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ[9]. Điều này được hiểu “góp vốn” có thể tiếp cận dưới góc độ để thành lập doanh nghiệp “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế” và “góp vốn” để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp “Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp” và hình thức hợp tác đầu tư dưới hình thức “Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC”.

          Tổng hợp quy định về “góp vốn” tài sản nêu trên được hiểu, “góp vốn” để thành lập doanh nghiệp và “góp vốn” để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp đều chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sang cho doanh nghiệp. Đối với trường hợp “góp vốn” để thành lập doanh nghiệp, các chủ thể tham gia góp vốn sẽ thực hiện việc “góp vốn” trước khi thành lập doanh nghiệp, đối với trường hợp “góp vốn” để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp, các chủ thể tham gia góp vốn sẽ thực hiện việc “góp vốn” sau khi doanh nghiệp được thành lập. Ngoài ra, việc “góp vốn” tài sản cũng được hiểu dưới dạng đóng góp tài sản để cùng hợp tác kinh doanh mà không chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

          Luật Đất đai năm 2013 tiếp cận về “góp vốn” đối với quyền sử dụng đất theo hướng quy định về quyền của người sử dụng đất được thực hiện các giao dịch, trong đó có quy định “góp vốn bằng quyền sử dụng đất[10]; đồng thời quy định về các trường hợp nhận quyền sử dụng đất, trong đó ghi nhận “Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp liên doanh nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất[11]. Ngoài ra, quy định về “góp vốn” còn được thể hiện trong các điều khoản quy định về quyền của người sử dụng đất được “góp vốn bằng quyền sử dụng đất[12]. Luật Đất đai năm 2024 tiếp tục kế thừa quy định việc “góp vốn" của Luật Đất đai 2013, theo đó vẫn giữ các quy định về quyền công dân đối với đất đai[13] quy định về quyền của người sử dụng đất[14]. Về cơ bản, Luật Đất đai năm 2024 hoàn thiện và có nhiều quy định mới, rõ ràng hơn đối với “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, cụ thể:

Thứ nhất, làm rõ khái niệm thế nào là “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Theo đó, “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập[15]. Việc “góp bằng quyền sử dụng đất” để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập, quyền sử dụng đất sẽ chuyển quyền sử dụng sang cho doanh nghiệp.

Thứ hai, Luật Đất đai năm 2024 cũng có bổ sung quy định mới về sử dụng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh mà không chuyển quyền sử dụng, cụ thể Luật Đất đai 2024 quy định: “Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất[16].

Ảnh minh họa

          2. Những hạn chế quy định về “góp vốn” theo quy định của Luật Đất đai và giải pháp hoàn thiện

          Các quy định về góp vốn bằng quyền sử dụng đất” tại Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới so với trước đây. Tuy nhiên, những quy định này khi áp dụng trên thực tiễn vẫn có những bất cập và cần hoàn thiện hơn để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

2.1. Những hạn chế quy định về “góp vốn” theo quy định của Luật Đất đai năm 2024

    Trước đây, Luật Đất đai năm 2003 tiếp cận “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” dưới hai hình thức. Đối với trường hợp “góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới”, việc “góp vốn” sẽ chuyển quyền sử dụng đất sang cho “pháp nhân mới hình thành”. Còn đối với trường hợp “góp vốn” bằng quyền sử dụng đất “không hình thành pháp nhân mới”, trường hợp này sẽ không chuyển quyền sử dụng đất sang cho pháp nhân. Luật Đất đai năm 2024 tiếp cận về “góp vốn” dưới hình thức chuyển quyền sử dụng đất[17] và không chuyển quyền sử dụng đất[18]. Song, các quy định này còn một số hạn chế như:

          Thứ nhất, hạn chế trong quy định về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” để thành lập tổ chức kinh tế

          Pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã và pháp luật về đầu tư đều quy định về việc góp vốn “để thành lập công tygóp thêm vốn điều lệ của công ty”. Trường hợp góp vốn “để thành lập công ty”, chủ thể sẽ thực hiện “góp vốn” trước khi thành lập doanh nghiệp. Quy định tại khoản 22, Điều 3, Điều 23 và Điều 27, Luật Đất đai năm 2024, việc “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” được hiểu theo khía cạnh, người sử dụng đất sẽ thực hiện “góp vốn bằng quyền sử dụng đấttrước khi thành lập tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, khi tiếp cận dưới góc độ quy định về “nhận quyền sử dụng đất”, cụ thể  “Tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất[19], người sử dụng đất chỉ cho phép thực hiện “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” sau khi đã thành lập tổ chức kinh tế. Các quy định về “nhận quyền sử dụng đất” không cho phép người sử dụng đất được thỏa thuận “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Đồng nghĩa, chủ thể sử dụng đất được pháp luật quy định được quyền “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” muốn “góp vốn” để thành lập doanh nghiệp thì bắt buộc tổ chức kinh tế phải được thành lập và sau đó mới thực hiện “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Vô hình chung lại được hiểu, trường hợp này là “góp vốn” làm tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp trong trường hợp này đã được thành lập.

          Thứ hai, hạn chế quy định về “góp vốn” đối với quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh

         Luật Đất đai năm 2024 bổ sung quy định về “hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất”, theo đó, “người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất[20]. Điều này cũng được ghi nhận trong các quy định đối với quyền của người sử dụng đất của cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức thì được quyền Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức, góp quyền sử dụng đất với cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh[21]; hay như quy định đối với điều khoản về tập trung đất nông nghiệp: “Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức sau đây:c) Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất[22].

          Quy định của Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất sẽ được dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh. Điều này phù hợp quy định của Bộ Luật dân sự cho phép chủ sử hữu, sử dụng được dùng tài sản và công sức lao động của mình để cùng đóng góp hợp tác sản, xuất kinh doanh[23]. Luật Đầu tư quy định, nhà đầu tư được quyền thỏa thuận ký kết hợp đồng BCC để cùng hợp tác đầu tư, kinh doanh[24]. Luật Hợp tác xã cũng quy định các thành viên hợp tác xã có thể đóng góp tài sản tạo thành tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác để cùng nhau sản xuất, kinh doanh[25]. Tuy nhiên, “góp vốn bằng quyền sử dụng đấtđể tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập[26]. “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất” trong trường hợp này có sự chuyển quyền sử dụng đất sang tổ chức kinh tế. Trong khi, “dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh” lại không chuyển quyền sử dụng đối với quyền sử dụng đất.

        Như đã phân tích ở trên, Luật Đất đai năm 2024 có sự tách biệt “góp vốn bằng quyền sử dụng đất và “dùng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh”. Tuy nhiên, quy định quyền của người sử dụng đất tại Điều 27, Luật Đất đai năm 2024 không thể hiện người sử dụng đất được quyền dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh[27].  Câu hỏi đặt ra, người sử dụng đất có được “dùng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh” hay không? Theo tác giả, nếu lập luận theo cách “góp vốn bằng quyền sử dụng đấtđã bao gồm sử dụng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh thì điều này cần được quy định rõ hơn trong khoản 22 và khoản 26, Điều 3, Luật Đất đai năm 2024. Trường hợp “góp vốn bằng quyền sử dụng đấtkhông bao gồm sử dụng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh, thiết nghĩ tại Điều 27, Luật Đất đai năm 2024 cần bổ sung quy định này.

          Mặt khác, điểm h, khoản 1, Điều 37 đang có sự mâu thuẫn với khoản 22 Điều 3, Luật Đất đai năm 2024 trong việc quy định “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức, góp quyền sử dụng đất với cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh”. Bản chất giữa “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” và “dùng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh” có những quy định hoàn toàn khác nhau.[28] Do đó, Luật Đất đai năm 2024 cần có những sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định về “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quy định về “sử dụng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh”, từ đó nhằm bảo vệ quyền của người sử dụng đất.

            2.2. Giải pháp hoàn thiện quy định về “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”

Thứ nhất, về quy định“góp vốn bằng quyền sử dụng đất” tạo thành vốn điều lệ trong trường hợp để thành lập tổ chức kinh tế

Để đảm bảo chủ thể sử dụng đất được thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình, trong đó có quyền “góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2024 cần bổ sung thêm trường hợp nhận quyền sử dụng đất tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2024, theo đó bổ sung trường hợp nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở thỏa thuận “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” để thành lập tổ chức kinh tế (thỏa thuận trước khi thành lập tổ chức kinh tế được).

Việc hoàn thiện quy định nêu trên, giúp cho chủ thể được quyền thỏa thuận “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” trước khi thành lập doanh nghiệp, chủ thể hoàn toàn được quyền lựa chọn thỏa thuận về “góp vốn” trước hoặc sau khi thành lập tổ chức kinh tế. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về “góp vốn” trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư.

  Thứ hai, đối với quy định về “góp vốn quyền sử dụng đất”để hợp tác sản xuất, kinh doanh

Ngoài những quyền cơ bản đã được liệt kê, Điều 27, Luật Đất đai năm 2024 cần bổ sung quy định quyền của người sử dụng đất được dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh, cụ thể điều khoản này cần sửa đổi, bổ sung theo hướng Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất”.  Đồng thời, bổ sung thêm quy định quyền của người sử dụng đất, tương ứng với hình thức sử dụng đất, loại đất, họ được quyền dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh. Việc bổ sung quy định về quyền của người sử dụng đất được “dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh” nhằm đảm bảo thể hiện đầy đủ các quyền đã được pháp luật về đất đai quy định và giúp người sử dụng được thực hiện đầy đủ hơn quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 cần sửa đổi, bổ sung điểm h, khoản 1, Điều 37 theo hướng “Sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức, góp quyền sử dụng đất với cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh”. Việc sửa đổi này sẽ phù hợp với các quy định về “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất[29] và “Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất”[30] được quy định trong Luật Đất đai năm 2024.

Pháp luật hoàn thiện sẽ bảo vệ đầy đủ những quyền cơ bản của người dân, điều này đã được thể hiện trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Luật Đất đai là một trong các luật quan trọng đối với người dân và doanh nghiệp, do đó việc hoàn thiện những quy định nêu trên sẽ đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai không còn chồng chéo, mâu thuẫn và áp dụng được trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm những quyền cơ bản của chủ thể có quyền sử dụng đất.

 

Ths. Đặng Văn Dinh, Công chứng viên Phòng Công chứng số 1 - TP. Hồ Chí Minh

 
 

[1] Điều 208 Bộ Luật dân sự 2005

[2] Điều 208 Bộ Luật dân sự 2005

[3] điều 727, Bộ Luật dân sự năm 2005

[4] Điều 215 Bộ Luật dân sự năm 2015

[5] khoản 1, Điều 504 Bộ Luật dân sự năm 2015

[6] Khoản 18, Điều 4, Doanh nghiệp năm 2020

[7] Điều 35, Luật Doanh nghiệp năm 2020

[8] Khoản 6, Điều 4, Luật Hợp tác xã năm 2023

[9] Điều 21, Luật Đầu tư năm 2020

[10] Điều 167, Luật Đất đai năm 2013

[11] điểm e, khoản 1 Điều 169, Luật Đất đai năm 2013

[12] điểm đ, khoản 1, Điều 174 Luật Đất đai năm 2013

[13] Điều 23, Luật Đất đai năm 2024

[14] khoản 1, Điều 27 Luật Đất đai năm 2024

[15] khoản 22 Điều 3, Luật Đất đai năm 2024

[16] khoản 26 Điều 3, Luật Đất đai năm 2024

[17]khoản 22 Điều 3, Luật Đất đai năm 2024

[18]khoản 26 Điều 3, Luật Đất đai năm 2024

[19]Điểm đ, Điều 28 Luật Đất đai năm 2024

[20]khoản 26, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024

[21] điểm h, khoản , Điều 37, Luật Đất đai năm 2024

[22] khoản 1, Điều 192, Luật Đất đai năm 2024

[23] Điều 504 Bộ Luật dân sự năm 2015

[24] Điều 27, Điều 28 Luật Đầu Tư năm 2020

[25] Khoản 6, Điều 4, Luật Hợp tác xã năm 2023

[26] khoản 22, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024

[27] Điều 27, Luật Đất đai năm 2024

[28] khoản 22, khoản 26, Điều 3, Luật Đất đai năm 2024  

[29] khoản 22, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024

[30] khoản 26, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây