Ngành nông nghiệp đối mặt thách thức kép

Chủ nhật - 15/03/2020 00:13
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp nước ta hiện đang đối mặt thách thức kép, đó là: dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong chăn nuôi. Ứng phó thách thức, tìm mọi giải pháp vượt qua là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với toàn ngành để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp đối mặt thách thức kép

Khó chồng khó

Báo cáo của Bộ NN và PTNT nêu rõ, bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn tới ngành trồng trọt và thủy sản.

Dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn, vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; trong khi đó dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại các địa phương, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực đều gặp khó trong cả sản xuất và tiêu thụ. Tại “thủ phủ” ngành tôm Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Dương Thành Trung cho biết: “Khoảng một tuần trở lại đây, giá tôm giảm 10%, còn vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng lớn vì nhiễm mặn. Tỉnh đang kiến nghị Trung ương có nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng cống ngăn mặn nhằm giải quyết tình thế”.

Còn tại tỉnh Bình Định, đồng chí Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng sáu trăm tấn cá ngừ đại dương chưa xuất khẩu được sang châu Âu. Đến cuối tháng 3, dự báo có mười nghìn tấn tôm gặp khó trong xuất khẩu. Về các mặt hàng nông sản, hiện có 48 nghìn tấn ớt đang vào vụ thu hoạch cần thị trường tiêu thụ, ngoài ra một lượng lớn dưa hấu tồn đọng… Tỉnh đang nỗ lực tìm các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sớm, tránh thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chậm trả lãi ngân hàng.

Tại tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở NN và PTNT, Dương Thanh Tùng nhận định: Vải thiều đang sắp vào vụ thu hoạch, nếu dịch Covid-19 không lắng xuống, chắc chắn việc xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Hiện tỉnh đang có phương án phối hợp tiêu thụ nội địa, đồng thời đẩy nhanh việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài ra, ở nhiều địa phương khác, việc tái đàn lợn hay đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm còn nhiều lúng túng do dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngành nông nghiệp đối mặt thách thức kép

Nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải thiều năm 2019. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Triển khai giải pháp kép

Để ứng phó với những khó khăn của toàn ngành, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Muốn vượt qua thách thức kép của ngành, nhất định phải có giải pháp kép, là tiếp tục tăng trưởng; bảo đảm mục tiêu xuất khẩu và an sinh xã hội. Mục tiêu năm 2020 là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản đạt hơn 42 tỷ USD, trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD. Năm nay bị mất nguồn cung thì toàn ngành còn phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường nếu không có biện pháp ứng phó. Sau dịch bệnh, bao giờ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng rất lớn. Thời điểm này, ngành nông nghiệp phải thúc đẩy sản xuất để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Từ những diễn biến đó, Bộ NN và PTNT chỉ đạo các địa phương ổn định sản xuất thông qua việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, thanh long, sầu riêng, chanh leo… Trong đó chú trọng yếu tố thị trường, nhất là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị.

Theo đó, đối với các tỉnh phía nam, tập trung và định hướng rải vụ năm loại cây: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn. Các tỉnh phía bắc tập trung bố trí cơ cấu giống rải vụ thu hoạch với các loại cây: vải, nhãn, chuối, cam, bưởi, xoài, bơ. Đối với một số cây ăn quả phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro về giá cả và việc tiêu thụ như cam, bưởi, thì không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ và tín hiệu tích cực từ thị trường.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: Hiện Bộ đang hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Chủ động phối hợp với Bộ Công thương, đại sứ quán Việt Nam tại các nước, triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong nhiệm vụ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.

Bộ NN và PTNT đang triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản tại nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch.
Ngoài ra, Bộ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; Tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất.

Tiến Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây