Italy hiện vẫn là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 . (Ảnh: AFP) |
Italy: Hiện vẫn là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 và đồng thời đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Tính đến rạng sáng ngày 16/3, giới chức Italy thông báo nước này ghi nhận thêm 368 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong của cả nước lên 1.809 người. Số bệnh nhân nhiễm mới là 3.590 người. Tổng số ca mắc tính đến nay là 24.747 ca.
Như vậy, trong 3 ngày liên tiếp, số người chết vì Covid-19 ở Italy tiếp tục tăng hơn 200 ca.
Tây Ban Nha: Chỉ trong vòng 24 giờ qua đã có thêm hơn 2.000 ca nhiễm mới, 100 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại xứ sở bò tót là 7.840 trong khi tổng số ca tử vong là 289.
Như vậy Tây Ban Nha đã trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều thứ 2 châu Âu, chỉ sau Italy. Quốc gia này hiện cũng là quốc gia thứ 2 tại châu Âu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với dịch Covid-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.
Anh: Ngày 15/3, nhà chức trách y tế Anh thông báo, trong 24h qua, số người tử vong do SAR-CoV-2 tăng thêm 21 người, nâng tổng số trường hợp tử vong lên thành 35 người, trong khi số người được chẩn đoán nhiễm virus này tăng 20% lên 1.395 người. Tổng số người được xét nghiệm y tế tại Anh là 40.279 người.
Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) đưa ra cảnh báo trong một cuộc họp rằng dịch Covid-19 có thể kéo dài đến mùa xuân sang năm.
Đức: Tính đến nay, Đức ghi nhận có 5.813 ca mắc Covid-19, trong đó 13 trường hợp tử vong. Dịch bệnh lan nhanh khiến giới chức nước này ngày 15/3 đã phải tuyên bố đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ, khu vực tiếp giáp 5 nước Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch và Luxembourg. Mức tăng ca nhiễm trong vòng 24 giờ lên đến 1.043.
Pháp: Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 15/3 cho biết khoảng 900 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 xuất hiện trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 5.423. Cơ quan y tế quốc gia cũng thông báo nước này ghi nhận 127 trường hợp tử vong.
Sự gia tăng nhanh số ca nhiễm được công bố khi Pháp tổ chức bầu cử địa phương trên toàn quốc, dự kiến cho thấy tỷ lệ không đi bỏ phiếu cao kỷ lục vì nhiều người sợ dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Veran cho biết quan chức chính phủ sẽ gặp các cố vấn khoa học trong những ngày tới để xác định liệu có tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai vào cuối tuần này.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Chính phủ Pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đấu tranh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 như đóng cửa các quán cà phê, nhà hàng, trường học và kêu gọi người dân hạn chế di chuyển.
Bộ trưởng Sinh thái Elisabeth Borne cho biết Pháp sẽ từng bước cắt giảm các chuyến tàu hỏa, xe buýt và hàng không đường dài trên lãnh thổ nước này trong những ngày tới nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh.
Tại châu Á
Ngày 16/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến hết ngày 15/3, Trung Quốc xác nhận 16 ca nhiễm Covid-19 mới, giảm 5 ca so với một ngày trước đó. Trong đó, riêng tại tỉnh Hồ Bắc có 4 ca nhiễm mới.
Cho đến nay, tổng số ca tử vong ở riêng tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc là 3.099, ở cả Trung Quốc là 3.213 người. Tổng số ca nhiễm tại quốc gia này là 80.860 trường hợp với hàng chục nghìn người hồi phục và xuất viện.
Iran hiện vẫn là tâm chấn của dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Giới chức Iran cho biết số ca dương tính với Covid-19 được ghi nhận tính đến hiện tại là 13.938 người, số người tử vong là 724.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour kêu gọi để chuyển biến tình hình trong những ngày tới người dân nên hủy toàn bộ việc đi lại và ở trong nhà.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 15/3 công bố thêm 76 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 tại đây lên 8.162 ca. KCDC cũng ghi nhận số ca tử vong đã tăng 73 trường hợp.
Ngày 15/3, Ấn Độ ghi nhận 23 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 107 với 2 trường hợp tử vong. Ấn Độ có 1,3 tỉ người nhưng quốc gia này được đánh giá cho đến nay đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh.
Tại các quốc gia Đông Nam Á, Malaysia vừa ghi nhận 190 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 428 trường hợp nhiễm Covid-19.
Philipines ghi nhận có 29 ca nhiễm mới, tổng cộng nước này có 140 ca nhiễm và 11 trường hợp tử vong.
Thái Lan ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới trong ngày 15/3, tổng số ca nhiễm hiện nay là 114. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới tăng vọt trong 1 ngày được ghi nhận ở Thái Lan. Hiện nước này ghi nhận đã có 1 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Indonesia ghi nhận 21 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 117.
Tại châu Mỹ:
Tính đến nay, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 là 3.667 người, số ca tử vong là 68 trường hợp. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhằm kiểm soát, hạn chế sự lây lan rộng của dịch bệnh, nhiều biện pháp đã được chính quyền Mỹ đưa ra như cấm tụ tập đông người, dừng các sự kiện, hoạt động văn hóa, đóng cửa các trường học và địa điểm du lịch như công viên Disney World, sân khấu Broadway, Nhà Trắng và Tòa nhà Quốc hội Mỹ...
Hiện SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại thủ đô Washington D.C và 47 tiểu bang khác của Mỹ. Tình hình này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch Covid-19 vào ngày 13/3, đồng thời giải phóng tới 50 tỷ USD cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ Mỹ triển khai phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cùng với thủ đô Washington DC, một loạt thành phố và bang của Mỹ, như New York, San Francisco, bang Washington cũng thông báo cấm các cuộc tụ họp và tổ chức các sự kiện có đông người tham gia.
Canada ghi nhận có 341 ca mắc Covid-19, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Mexico có 43 trường hợp mắc virus SARS-CoV-2, chưa có trương hợp nào tử vong.
Châu Phi:
Những ngày qua, nhiều nước châu Phi tiếp tục xác nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên như CH Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Gabon, Mauritania... khiến chính phủ các nước châu Phi phải tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Đến nay, đã có hơn 20 quốc gia châu Phi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 như Morocco, Tunisia, Egypt, Algeria, Senegal, Togo, Cameroon, Burkina Faso, Nam Phi. Tuy nhiên, các nước châu Phi đang chịu ít tác động của đại dịch này hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Hầu hết các trường hợp phát hiện dương tính với Covid-19 tại châu Phi đều là những công dân nước ngoài hoặc các trường hợp trở về nước sau khi đi du lịch ở nước ngoài.
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, các nước châu Phi đã tăng cường các biện pháp mạnh nhằm hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người trong đó có lệnh đóng cửa các trường học trong vòng 2 tuần./.
Hoài Hà (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn