Lòng dân giữa mùa đại dịch

Thứ sáu - 13/03/2020 00:40
(Chinhphu.vn) - Dòng chảy sôi sục phát triển nhanh và liên tục 4 năm qua trong khoảnh khắc buộc phải ngưng trệ vì dịch bệnh, nhưng đất nước vẫn một khí thế tiến bước về phía trước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trong lòng ông lúc này tràn ngập sự biết ơn người dân.
Lòng dân giữa mùa đại dịch

 

Chiều 27/1 (mùng 3 Tết), chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu "chống dịch như chống giặc".

Ngày 23/1/2020, cũng tức là ngày 29 Tết, khi ký Công điện đầu tiên về chống Corana, điều mà Thủ tướng lo lắng nhất là người dân chủ quan trước dịch bệnh. Cả đêm giao thừa, ông “trực” điện thoại để nghe tin tức từ các nơi báo về. Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ, chính thức phát động toàn dân “chống dịch như chống giặc”.

Vào lúc này, cuộc chiến vẫn đang tiếp tục, phức tạp và cam go, nhưng người đứng đầu Chính phủ không còn những lo lắng như 2 tháng trước và thấy rằng không có lý do nào để “thua” khi người dân đã gắn kết đồng lòng cùng Chính phủ.

Tại Nhật Bản, khi quyết định đóng cửa trường học để chống dịch, Thủ tướng Abe Shinzo phải lên truyền hình vận động người dân thông cảm và ủng hộ quyết định của Chính phủ, còn ở Việt Nam, phiếu thăm dò được các nhà trường phát ra để hỏi ý kiến phụ huynh về việc nên nghỉ hay không, kết quả gần như 100% ý kiến quả quyết nên nghỉ.

Tại Anh, hay tại Đức, nơi có số ca nhiễm COVID-19 đang gấp nhiều lần Việt Nam, người dân phớt lờ các nhắc nhở về đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Còn ở Việt Nam, ngay từ đầu mùa dịch, từ hai tháng trước, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới chỉ đưa ra lời khuyến nghị về việc nên đeo khẩu trang, thì gần như toàn dân đã đều thực hiện… Và như tại Hà Nội, hiện mới chỉ có một vài ca nhiễm, nhưng ở các con phố sầm uất nhất, giờ cũng trở nên thưa người qua lại. Người dân hạn chế ra đường, với ý thức rất cao gìn giữ cho bản thân mình, cũng chính là gìn giữ cho cộng đồng.

Mùa đại dịch cho thấy sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của người dân. Có được như vậy, nhìn lại 4 năm qua, càng thấy nhiệm kỳ Chính phủ khóa 14 thực sự là một nhiệm kỳ rất đặc biệt, với năm nào cũng có những diễn biến đặc biệt, ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016.

Nhậm chức Thủ tướng vào mùa hè năm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ khao khát xây dựng thành công một Chính phủ tận tâm tận lực với dân. Liên tiếp từ đó đến nay là các thử thách cho Chính phủ chứng minh sự tận tâm tận lực này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Quần thể Di tích Cố đô Huế, ngày 7/2.

Còn nhớ ngày Quốc hội bầu ra Thủ tướng mới, 6/4/2016, cá bắt đầu chết trắng ven biển các tỉnh miền Trung, gây nên sự cố môi trường biển. Hay ngày bộ máy Chính phủ khóa mới chính thức ra mắt, 28/7/2016, bão số 1, số 2 liên tiếp tràn đến gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc. Đó là chưa kể, năm 2016 cũng là năm bắt đầu hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây trở nên khốc liệt nhất trong suốt 100 năm.

Đối mặt với thách thức, Thủ tướng nhắn nhủ cả bộ máy Chính phủ, “phải thực chất, thực tâm. Mọi hành động của Chính phủ phải thực chất từ những việc nhỏ nhất và thực tâm, chân tình trong đối đãi với dân. Chính phủ phải quyết liệt hành động vì nhân dân”.

Ba ngày sau khi Thủ tướng cùng bộ máy Chính phủ khóa mới chính thức ra mắt Quốc hội và cử tri, ngày 31/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Nam Định thăm dân, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi cơn bão số 1 tràn qua, một cơn bão được cho là rất lớn và rất lạ kể từ năm 1986.

Khi ông còn là Phó Thủ tướng, ấn tượng trong dân về ông trong ứng phó với thiên tai còn rất sâu đậm. Tháng 11/2013, bão Haiyan tràn đến, các cơ quan khí tượng của Việt Nam và quốc tế đều dự báo đây là siêu bão với cấp gió lớn nhất. Bản tin của CNN nhận định đây là cơn bão chưa từng thấy, còn truyền thông trong nước dồn dập đưa tin về cơn bão siêu mạnh trong lịch sử…

Tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, trong tâm bão, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là tổng chỉ huy yêu cầu “phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào ở vùng nguy hiểm, thậm chí có thể cần cưỡng chế dân di dời khi cần thiết”. Chỉ chưa đến một ngày, hơn nửa triệu người dân ở khu vực này đã đi sơ tán tránh bão trong trật tự, kỷ luật và an toàn. Như tại Đà Nẵng, trong vòng 5 giờ đồng hồ, quận Liên Chiểu đã sơ tán xong hơn 80.000 dân đến 60 điểm trú ẩn tập trung. Siêu bão Haiyan đến Việt Nam đã không còn là siêu bão. Trả lời trước Quốc hội khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhìn nhận, “đó là sự may mắn của chúng ta”

Ứng phó với thiên tai, có được sự may mắn đó, phải chăng lòng người đã làm Trời Đất cảm động. Các con số thiệt hại vì thiên tai giảm mạnh trong 4 năm qua. Năm 2018, thiệt hại vì thiên tai ước tính 20 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2017 thiệt hại gấp ba lần con số này. Đến năm 2019, con số thiệt hại vì thiên tai tiếp tục giảm ở mức kỷ lục khi chỉ còn ở mức khoảng 7 nghìn tỷ đồng.

Và lần này, ứng phó với COVID-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới vừa chính thức tuyên bố là đại dịch toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ huy “chống giặc” thì điều mà ông luôn nhắc đến là sự biết ơn người dân đồng hành cùng Chính phủ, bởi không có sự đồng hành của người dân, thì Chính phủ cũng không thể nào có cơ hội để tận lực, tận tâm và may mắn như 7 năm trước khi chống siêu bão Haiyan.

Lê Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây