Phổ biến Và Tham Vấn Pháp Luật Việt Nam

http://phobienphapluat.net


Nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Đến nay, việc xây dựng và kiện toàn tổ chức đã có một bước tiến đáng kể, đã hình thành, củng cố và phát triển được một hệ thống các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện công tác PBGDPL theo hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Kiện toàn về tổ chức:

Hiện nay, ở Trung ương, Bộ Tư pháp có Vụ PBGDPL; 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ còn lại đã thành lập Vụ Pháp chế làm đầu mối tham mưu và tổ chức triển khai công tác PBGDPL, trong đó một số Vụ Pháp chế có Phòng PBGDPL như Bộ Công an, Bộ Công thương... Các cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể đã phân công một đơn vị làm đầu mối theo dõi công tác pháp chế. Các Cục, Vụ, Viện trực thuộc các Bộ, ngành cũng có cán bộ pháp chế thực hiện công tác PBGDPL tại đơn vị mình.

Điểm nổi bật trong kiện toàn tổ chức và củng cố nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL tại địa phương là việc thành lập Phòng PBGDPL tại 63/63 Sở Tư pháp. Nhiều Sở, ban, ngành cấp tỉnh thành lập Phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế thực hiện nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, PBGDPL. Các đơn vị cấp huyện trong cả nước đã thành lập Phòng Tư pháp.

Nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ làm công tác PBGDPL

Nhìn một cách tổng thể, những năm gần đây, lực lượng làm công tác PBGDPL đã và đang dần được củng cố, kiện toàn, đồng thời có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các cấp, các ngành đã có sự quan tâm, chỉ đạo tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác PBGDPL, bằng nhiều hình thức đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này, coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL. Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp của Chính phủ định kỳ hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội đồng phối hợp các cấp và đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL. Thời gian qua, công tác củng cố, kiện toàn về tổ chức của Hội đồng phối hợp các cấp được các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương quan tâm thực hiện; thường xuyên đề xuất bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng khi có thành viên Hội đồng đảm nhận công tác khác.

Nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, hàng năm, cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp của Chính phủ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, báo cáo viên pháp luật trung ương, cán bộ pháp chế các doanh nghiệp nhà nước (2 lần/năm); cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp các cấp ở địa phương đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ làm công tác PBGDPL và báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng Chính phủ, Hội đồng các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát, củng cố, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL ở Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Theo thống kê, cả nước hiện có 747 báo cáo viên pháp luật trung ương, 5,395 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và 13,019 báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Cùng với báo cáo viên pháp luật, với lực lượng gồm 77,264 người, trong thời gian vừa qua, tuyên truyền viên pháp luật có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Hiện nay, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều bố trí cán bộ làm công tác PBGDPL. Ở địa phương, ngoài công chức tư pháp công tác tại các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp làm công tác PBGDPL, nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh đã bố trí cán bộ pháp chế thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, PBGDPL. Công chức tư pháp-hộ tịch và các công chức khác của xã, phường, thị trấn cũng là lực lượng đông đảo tham gia PBGDPL. Một số bộ, ban, ngành và địa phương đã huy động đội ngũ báo cáo viên tuyên huấn của Đảng, giáo viên các trường chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tham gia PBGDPL, đảm bảo tuyên truyền kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng gắn với phổ biến pháp luật.

Các lực lượng nói trên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong PBGDPL những năm gần đây, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, có đóng góp đáng kể cho công tác đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong xã hội.

Đầu tư  kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 32 và các Chương trình, Đề án về PBGDPL của Chính phủ, việc đầu tư nguồn lực về bộ máy, cán bộ và kinh phí cho công tác PBGDPL được tăng cường. Triển khai Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL và nay là Thông tư số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày ngày 14 tháng 5 năm 2010, các bộ, ngành, địa phương đều bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL trong kế hoạch ngân sách hàng năm của mình. Việc ban hành Thông tư số 73/2010/TTLT-BTC-BTP đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc bố trí ngân sách hàng năm cho công tác PBGDPL. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hầu hết các huyện đều phê duyệt kinh phí theo kế hoạch PBGDPL. Ngoài khoản ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động PBGDPL, có nơi còn nhận được hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, dự án; huy động được sự đóng góp từ phía doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.

 

 

Tác giả bài viết: Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP. Hồ Chí Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây