Đòi lại tài sản đã tặng, cho người khác

Thứ năm - 12/03/2020 22:41
Ðiều 248 Bộ luật Dân sự, quy định: “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao”.

“Một người đã tặng em chiếc xe gắn máy. Khi mua thì hóa đơn thanh toán tiền do người đó đứng tên nhưng Giấy đăng ký mô tô, xe máy do em đứng tên. Nay ông ta muốn đòi lại thì có được hay không?”

Trả lời tư vấn:

Hợp đồng tặng, cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.

Hợp đồng tặng, cho có hai dạng: Tặng, cho có điều kiện và tặng, cho không có điều kiện.

Ðiều 248 Bộ luật Dân sự, quy định: Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao”.

Theo đó, kể từ thời điểm bạn trở thành chủ sở hữu đối với tài sản là chiếc xe gắn máy, quyền sở hữu của bên cho đã chấm dứt, bên cho không có quyền đòi lại tài sản của bạn.

Theo quy định về tặng, cho động sản tại Ðiều 466 Bộ luật Dân sự như sau: “Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.

Mô tô, xe máy là động sản phải đăng ký quyền sở hữu nên hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm bạn (bên được tặng, cho) đăng ký tài sản. Theo đó, ngay từ thời điểm đăng ký, chiếc xe gắn máy đã thuộc quyền sở hữu của bạn.

Tuy nhiên, trong trường hợp việc tặng, cho xe gắn máy có điều kiện theo quy định tại Điều 470 Bộ luật Dân sự:

- Bên tặng, cho có thể yêu cầu bên được tặng, cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng, cho. Ðiều kiện tặng, cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

- Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng, cho: Nếu bên được tặng, cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng, cho không giao tài sản thì bên tặng, cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng, cho đã thực hiện.

- Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng, cho mà bên được tặng, cho không thực hiện thì bên tặng, cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên (không thực hiện đúng nghĩa vụ là điều kiện tặng, cho) thì bên tặng, cho có quyền đòi lại tài sản.

 

Tác giả bài viết: Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây